Tặng hoa cho ca sĩ là một nét đẹp mà tôi luôn thích nhìn ngắm. Tôi có thể thấy niềm vui sáng ngời và long lanh trong đôi mắt của người nhận và chút bẻn lẻn rụt rè trong bước chân và đôi cánh tay trao bó hoa của người tặng. Đó là lòng biết ơn và ngưỡng mộ của khán thính giả muốn gửi đến ca sĩ. Một cử chỉ đẹp vô cùng! Nhưng trong tôi luôn là những thắc mắc. Vì sao?

Theo tôi, nghe nhạc chết và nhạc sống có những cảm nhận thích thú khác nhau. Có lúc tôi thích yên lặng một mình trong căn phòng, nhắm mắt lại chỉ để lắng nghe. Có bài thích nghe vào buổi sáng, khi lòng như mở ngõ. Tôi thấy như nắng ban mai và chim ríu rít cùng nhảy múa với người nghệ sĩ và với từng nốt nhạc; những nốt nhạc có lúc dìm ta xuống có lúc nâng ta lên để cân bằng đời sống tinh thần. Nhưng có bài tôi thích nghe về đêm khi ánh trăng với ánh sáng dìu dịu len lõi vào phòng như ru tôi vào giấc ngủ bình yên. Có khi là đêm đen tĩnh mịch không có lấy một vì sao. Chung quanh chỉ là bóng tối và bóng tối làm tôi thấy mình nhỏ bé trước cuộc sống này. Và những lúc như thế tôi mới chính là tôi, thu người lại trong cái vỏ ốc ngàn đời câm nín!

Đi xem, nghe nhạc ở rạp hát hay nghe nhạc từ đĩa cho tôi những cảm nhận khác nhau và giữa nhạc thính phòng và đại nhạc hội, tôi thích nghe nhạc thính phòng hơn. Phải chăng căn phòng nhỏ và ấm cúng hơn làm tôi cảm thấy tâm hồn lắng đọng hơn, cảm thấy một gần gũi bắt gặp cảm xúc cùng nhạc sĩ và ca sĩ dễ dàng hơn? Tôi thấy, có những bài nhạc rất thích hợp cho lại nhạc thính phòng nhưng không thích hợp trên sân khấu đại nhạc hội và ngược lại.

Và hình như tất cả những vui thích của con người hình như rất tùy vào không gian, thời gian và tâm trạng. Thỉnh thoảng tôi cũng thích đi nghe nhạc. Tôi nghĩ, có lẽ vì tôi muốn có một mối tương quan giữa con người với con người. Vì tôi đi tìm kiếm một thể hiện trên từng động tác mắt môi và cả những rung động trong từng cử chỉ của ca sĩ. Khi tôi nghe tôi không chỉ nghe bằng đôi tai mà tôi nghe bằng đôi mắt nữa. Đôi mắt tôi gắn chặt trên những đường nét xót xa, đau thương và hằn nét khắc khoải hay đôi khi là niềm vui đậu trên khóe mắt nụ cười trên gương mặt của ca sĩ. Những cái nhíu mày, những dứt khóat, những lay động của thân thể làm bản nhạc sống động hơn. Tôi như thả hồn tôi cùng với tiếng hát và nỗi lòng trên từng cử chỉ của họ. Tôi thích nhìn ngắm cách thể hiện của họ. Mà vì sao tôi đang muốn nói về hoa tặng cho ca sĩ mà tôi lại bày biện ra cách thưởng thức nhạc của tôi, có phải tôi đã đi lạc đề. Chắc là không đâu!

Tuấn Ngọc là một trong những ca sĩ nam mà tôi yêu thích. Với tôi, giọng ca ông không mềm mại và nhẹ nhàng. Nó góc cạnh và ray rức trong từng lúc ngắt lời nhưng nó lại thu hút tôi. Nó chơi vơi, ngập ngừng xen kẻ. Thế nên khi ông hát những nốt láy, tôi cũng không thấy nó mượt mà, ẻo lả. Giọng hát của ông hình như cũng thể hiện thuận chiều với gương mặt xương xương của ông. Tôi nghĩ thế!

Có một lần tôi đi nghe, xem Tuấn Ngọc hát, rất nhiều người ái mộ ông đã làm phiền tôi khi họ chạy lên sân khấu và tặng hoa cho ông. Trước mặt tôi, không còn là sự yên tĩnh nữa, những nhốn nháo, những tiếng động, những bóng hình cứ lao chao làm cho tôi như đang lênh đênh trên biển và đang có cảm giác say sóng. Nó nhập nhoà làm xốn xang đôi mắt tôi và luôn cả đôi tai tôi cũng không còn nghe rõ nữa. Tôi bị làm phiền!

Tôi nghiệm ra rằng mỗi ca sĩ có những cử động khác nhau trong khi lấy hơi để có thể nhả ra những chữ ở những nốt nhạc quá cao thật đầy, thật tròn hay những nốt quá thấp thật nồng nàn và ấm áp . Với cái bắt gặp của tôi, ca sĩ Tuấn Ngọc hay để bàn tay trái của ông ngang bụng khi ông lấy hơi và mắt ông hướng về một góc sân khấu. Hôm ấy, cứ mỗi khi ông vừa nhấc cánh tay lên làm động tác lấy hơi và mặt ông đang hướng về một góc nào đấy thật xa xăm thì những người ái mộ ông cứ rộn ràng đi lên hướng về sân khấu, tay cầm bó hoa cứ ngoe nguẩy để ông nhìn xuống và cầm lấy. Hôm ấy ông đã phải đành dùng bàn tay trái của ông mà nhận những bó hoa dâng tặng. Tôi thắc mắc, sao những người ái mộ ông không đợi đến khi ông hát xong, hay những khi ông ngừng nghỉ trong những giây phút chỉ có nhạc đệm, hay có thể thì chỉ nên đặt phía trước ngay lề sân khấu. Hôm ấy, tôi thấy thật tội nghiệp cho ông.

Và thỉnh thoảng tôi đi nghe nhạc, tôi đều thấy hình như cách trao tặng hoa như thế này đã trở thành một điều bình thường. Với tôi, nên chăng một lời yêu cầu từ người giới thiệu nhắn gửi đến khán thính giả là hãy trao tặng hoa ở cuối bài hát hay cuối chương trình và tránh những xáo trộn, kẻ lên người xuống làm phiền những khán thính giả khác.

Chút suy nghĩ về một lần tôi đi nghe Ca sĩ Tuấn Ngọc hát và tôi thật sự thất vọng với lòng ái mộ như thế đối với ông. Không biết ông có lấy làm phiền lòng không khi ông không thể để hết tâm hồn vào từng nốt nhạc lời ca. Ca sĩ vừa hát mà cứ vừa phải gật đầu như thầm cảm ơn người ái mộ làm sao mà hát với cả một tấm lòng với nhạc.Tôi thấy thật khó cho ca sĩ.

Thật ra t ặng hoa để tỏ lòng biết ơn ca sĩ là một nét đẹp. Đẹp lắm! Nhưng để không làm gián đoạn dòng cảm xúc của ca sĩ cũng như những khán thính giả khác, chúng ta có nên suy nghĩ lại và tìm ra phút giây nào là phút giây chúng ta nên tỏ lòng biết ơn đối với ca sĩ. Nên chăng?

Nguyễn Kim Tiến
26 tháng 4 năm 2011

Bình luận

Đăng Nhập/Xuất