Vũ Quí Hạo Nhiên
27.10.2013

Tôi với Trịnh Công Sơn không có quen biết. Người khác viết về họ Trịnh, người ta kể ra được biết bao nhiêu kỷ niệm với nhạc sĩ. Cái này có phần lợi, mà cũng có phần thiệt: Đã mang tiếng là quen, người ta dường như tự thấy có nhu cầu phải nói ra quan điểm của mình về những điều "Quốc"/"Cộng" đang tranh cãi về người nhạc sĩ này.


Dao Ánh và Trịnh Công Sơn

Tôi không có quá khứ ấy, nên tôi không cần phải nhảy vào cuộc tranh cãi chắc không bao giờ chấm dứt này. Tôi là một đứa nhóc thích nhạc, con nhà "ngụy," sống tại Việt Nam sau 75, đủ lớn để quan sát và suy nghĩ, nhưng chưa đủ lớn để ra đường làm quen với những người nổi tiếng.

Ở đây, tôi chỉ viết về hai bài hát tôi thích, do Trịnh Công Sơn sáng tác khoảng 1979 hay 80, khi phong trào vượt biên "bán chính thức" lên cao độ, và đất nước Việt Nam đang xuống dốc thảm hại. Tôi viết về những lý do cá nhân vì sao tôi thích hai bài này.

Oái oăm thay, hai bài tôi thích đều bị lên án tại hải ngoại.

Đèn Đường Từng Đêm Thao Thức

Thế giới âm nhạc ở Việt Nam sau 75 là một thế giới tạp nhạp về chất lượng, hay có dở có, nhưng đặc biệt thuần nhất về nội dung. Nói nhạc, là nói nhạc "cách mạng." Đang ở Trường Sơn Đông thì nhớ Trường Sơn Tây, nhưng ở tận sông Hồng thì em có biết quê hương anh cũng có dòng sông? Trên Sóc Bom Bo có tiếng chày khuya hòa với tiếng đàn ta lư mừng thắng trận quê ta. Hà nội ta đánh Mỹ giỏi là niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Các cô gái cũng toàn lo đánh nhau – có cô gái vót chông, có cô gái Sài gòn đi tải đạn, và có cô gái đứng ở bên đường như quê hương vai áo bạc cầm súng trường. Họ hẹn gặp nhé giữa Sài gòn, là nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười.

Đó là nhạc chúng tôi được phép nghe, được phép hát, được phép trình diễn, và các thầy cô của chúng tôi được phép dạy. Nhạc Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương này nọ chỉ hát lậu thôi. Sau này, BBC và VOA phát một số bài mới như "Người di tản buồn," "Món quà cho quê hương," "Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh," và "Sài gòn niềm nhớ không tên." Chúng tôi gọi chung là nhạc "hải ngoại" vì chúng tôi nghe được qua đài ngoại quốc, chứ chúng tôi không biết ông Nguyễn Đình Toàn tác giả "Sài gòn niềm nhớ không tên" vẫn còn sống sờ sờ trong nước. Chúng tôi chép lại từ đài, dạy cho nhau hát, dĩ nhiên hát lén.

Một người thầy của tôi kể lại, để tránh không phải dạy học trò mình thành cộng sản, trong giờ nhạc trường trung học ông ta chỉ dạy hai bài hát. Một là bài "Guantanamera" là nhạc "nước anh em" Cu-ba, vì lời tiếng Tây ban nha chẳng ai hiểu gì cả, mà lời Việt thì hoàn toàn... phi cách mạng. "Hàng cây dừa non dưới trời mây xanh." Bài thứ hai là bài "Cô gái vót chông" vì, theo ông, "nhạc hay và lời thật tiếu lâm"!! Đó là những lối thoát rất hẹp trong rừng nhạc chi chít chuyện đánh cho Mỹ cút ngụy nhào.

Khi ấy, Trịnh Công Sơn còn đi Khe Sanh, Võ Văn Kiệt chưa vớt về. Chuyện này tôi mới biết sau khi Trịnh Công Sơn đã mất, chứ lúc đó thì lo chuyện mình chưa xuể, công đâu để ý xem các nhạc sĩ đã đi đâu và về đâu.

Thế rồi, nhạc Trịnh Công Sơn tái xuất hiện. Chúng tôi mừng vì lại được hát những sáng tác của một nhạc sĩ lớn của miền Nam. Lúc đầu chỉ có hai bài, "Em còn nhớ hay em đã quên" và "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui." (Nếu có bài nào khác xuất hiện sớm hơn thì tôi không biết.) Nhạc Trịnh Công Sơn như một làn gió, tuy không hẳn là hoàn toàn mát rượi tính tự do, thổi vào cái lò nung hầm hập của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Và nhất là nó là nhạc công khai, không bị cấm.

Em Ra Đi Nơi Này Vẫn Thế, Vẫn Có Em Trong Tim Của Mẹ

Tuy nhiên, sau một thời gian, ở hải ngoại bắt đầu lên án những sáng tác mới của Trịnh Công Sơn. Bài "Em còn nhớ hay em đã quên" bị kết án là đã ngụy biện rằng Sài Gòn không thay đổi sau khi bị cộng sản chiếm và hàng ngàn người bỏ đi. "Em" đây, là Khánh Ly chứ còn ai! Mà sau khi "em" đi, thì Sài gòn khác chứ – "Sài gòn ơi ta mất người như người đã mất tên" kia mà!

Khánh Ly trình bày Em còn nhớ hay em đã quên (album Như Một Vết Thương)(*)


Nhưng phải nhớ lại, thời gian ấy, liên lạc ra ngoại quốc, không bao giờ nói thẳng mà luôn luôn rất bóng gió. Ai không biết, hoặc không nhớ, có thể đọc "Quê Hương Thương Ghét" của Vũ Thụy Hoàng. Thư viết vậy mà không phải vậy, mỗi bức thư như một bức mật mã, viết cho người thân mà cứ như làm gián điệp. Người dân giỏi nói bóng gió để qua mặt công an, đến mức một nhà báo ngoại quốc viết về nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đặt tựa sách là "Shadow and Wind" (bóng và gió).

Trong hoàn cảnh như vậy, Trịnh Công Sơn muốn nói gì trong "Em còn nhớ hay em đã quên," có hay không bắn tin gì, gửi cho ai, nhắn cái gì, "em" là ai, thì chỉ có Trịnh Công Sơn biết. Nhưng nếu người miền Nam mà không thích bài này, thì nó đã chết từ lâu rồi. Nó còn có người hát, là tại người mình – xin nhấn mạnh, người mình, đám "ngụy" – còn thích.

Tôi là một trong những đứa con nhà "ngụy" thích bài này. Bạn bè đi vượt biên, đi chính thức, lúc chia tay, hát cho nhau bài này, như nhắc đừng quên nhau. Như nhắn nhủ rằng mày đi tao vẫn nhớ mày, tao vẫn sống như ngày mày còn ở đây. Mày với tao đi lao động, đi trực đêm, đi trốn nghĩa vụ. Mày đi rồi tao vẫn lao động, trực đêm, trốn nghĩa vụ. Cái xứ này nó vậy, mày ra đi nơi này nó vẫn thế, vẫn cứ mưa rồi chợt nắng.

Xã hội có thể bát nháo, nhưng tình người nếu chân thật thì vẫn thế, vẫn có em trong tim của mẹ. Cái nhân bản vượt lên trên cái phàm trần.

Ừ thì có thể Trịnh Công Sơn không viết về người vượt biên mà viết về người di tản. Mà cũng có thể không. Ai mà biết! Chỉ có Trịnh Công Sơn biết.

Tôi, tôi chiếm lấy bài hát của Trịnh Công Sơn làm của tôi. Ông viết cho ai tôi không cần biết, tôi lấy bài của ông tôi hát cho bạn tôi đi vượt biên, đứa đi thoát, đứa bị bắt, đứa làm mồi cho biển sâu.

Tôi tin rằng, như tôi, nhiều người khác cũng thích bài hát này vì những lý do rất riêng tư. Chẳng phải giá trị của nghệ thuật tùy con mắt người xem ư?

Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Đường Đi, Đường Đến Anh Em Đường Đến Bạn Bè

Bài "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" cũng bị lên án ở hải ngoại. Thật là xạo khi đang sống ở xứ cộng sản mà bảo mỗi ngày chọn một niềm vui! Vui ở chỗ nào?

Trịnh Công Sơn trình bày Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (album Tôi Sẽ Nhớ)(*)


Thực ra, tôi không thích bài này lắm, vì hồi đó mà bắt tôi mỗi ngày chọn một niềm vui thì cũng khó. Nhưng bây giờ, nghĩ lại, mới thấy Trịnh Công Sơn đúng, tôi sai.

Ngày ấy, lo lắng nhiều, sợ hãi nhiều. Nhưng đúng là mỗi ngày tôi đã nhận được ít nhất một niềm vui. Nó đến từ thầy cô lo lắng dạy dỗ cho học trò học hành tử tế, từ bạn bè giúp đỡ và an ủi nhau trong những lúc khó khăn, từ cha mẹ anh em họ hàng đùm bọc lẫn nhau khi tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào.

Người Việt Nam sống trong nước lúc đó như người bị bao vây. Vậy mà bây giờ gặp nhau, nhắc lại thời gian đó, ai ai cũng có thể kể ra được những câu chuyện cảm động của đời sống thường ngày -- những niềm vui nho nhỏ, lắm khi rất tầm thường -- trong một xã hội rất kinh hoàng. Nhưng lúc ấy, vì đang trong tâm trạng bị bao vây, nên không ai nhìn ra điều này.

Chỉ trừ Trịnh Công Sơn. "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui," tôi chọn "đường đến anh em, đường đến bạn bè." Không những ông chỉ ra cách đi tìm niềm vui cho mình, ông còn chỉ cách mang niềm vui đến cho người khác. "Tôi nhặt gió trời" nhưng tôi "mời em giữ lấy."

Ông không lo lắng tìm đường vượt biên, ngược lại ông "chọn ngồi thật yên nhìn rõ quê hương rồi nghĩ lại mình." Và ông "chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim." Nên ông tình nguyện "yêu đời này bằng trái tim của tôi." Nói như thế mà không bị công an văn hóa chúng nó vặn thì cũng tài – nói đất nước cần một trái tim thì rõ ràng là nói đất nước này thiếu trái tim.

Mà đúng đó là tâm trạng của mỗi chúng tôi. Trong tình trạng bị bao vây, một chút ít giúp sức, nâng đỡ nhau, đã là niềm vui lớn lắm rồi. Mà nhiều khi còn phải giúp "lậu." Xã hội chung quanh tàn ác, thiếu trái tim. Tôi và các bạn tôi, chúng tôi chẳng còn gì khác cho nhau trừ những việc làm cho nhau đến từ trong tim, và nó quý lắm.

Đã Yêu Cuộc Đời Này Bằng Trái Tim Của Tôi

Cái hay của Trịnh Công Sơn là ở chỗ đó. Ông công khai nói lên tâm trạng của những người như chúng tôi, trong khi quanh ông toàn nhạc sĩ cách mạng và các ca khúc chống Mỹ của họ. Nhạc cách mạng dạy trẻ em tàn bạo. Nhạc Trịnh Công Sơn nhắc tôi yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi. Do đó, tôi yêu nhạc ông.


Vũ Quí Hạo Nhiên

Nguồn: http://www.diendantheky.net/2013/10/khong-quen-trinh-cong-son-viet-ve-trinh.html

(*) Nhạc do BBT chèn vô