Vũ Hoàng, phóng viên RFA
23/2/2014



000_APP2002050495547-600.jpg Nghệ sĩ với trang phục và nhạc cụ truyền thống trong lễ khai mạc Festival Huế năm 2002 AFP photo

Trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, G.S, T.S, nhạc sĩ Trần Quang Hải trình bày về sự hình thành, những nét đặc trưng của dân ca miền Trung:

Về dân ca miền Trung, ngay trong bài hát ru em thì âm nhạc không dựa trên thang âm ngũ cung mà là tứ cung…

Thang âm trong miền Trung là hơi lai với nhạc Chăm của người Chàm. Khi chúa Nguyễn đi vào miền Trung với Trịnh Nguyễn phân tranh, lập thủ đô tại Huế khi đó mới bắt đầu sắp xếp lại và hình thành loại nhạc mang từ miền Bắc vào miền Trung, đặc biệt là hát bội nổi tiếng, với những nhân vật nổi tiếng như ông Đào Tấn viết về tuồng hát bội. Khi nhạc của miền Bắc đi vào miền Trung, đụng với nhạc Chăm đẻ ra một thang âm hoàn toàn lạ, mà chúng ta thấy rằng đặc biệt nhất là trong những điệu hò: hò mái nhì, hò mái đẩy hoặc ngay trong cả nhã nhạc ca Huế, dựa trên thang âm không phải là hò xự xang xê cống mà là hò với chữ “xự” thấp hơn và chữ “xang” cao hơn… đặc biệt ở miền Trung có những điệu hò như lý.

Lý là nơi tập trung của nhiều loại hò, nhiều giai điệu hơn 2 miền Bắc và Nam. Ngoài hò làm việc, hò đối còn có hò đưa đám ma, ở Thanh Hóa có hò Sông Mã được chia thành 5 loại hò tùy vào từng giai đoạn, thí dụ, hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn, hò cặp bến với các đoạn kể theo sự nhịp nhàng của chèo như nhịp một, nhịp hai. Trong khi chèo thuyền, chúng ta còn được nghe các loại như hò mái xắp, hò mái nhì, hò mái đẩy. Có giả thuyết cho rằng “mái” là “mái chèo”, có giả thuyết khác cho rằng “mái” là đàn bà đối với “trống” là đàn ông; còn “xắp” trong hò mái xắp nghĩa là mau hơn, hò mái nhì nghĩa là “hai” phải hát 2 lần; còn hò mái đẩy nghĩa là làm chiếc thuyền đi tới, ở vùng Thừa Thiên Quảng Trị còn có hò mái ba, nghĩa là phải hát bài đó 3 lần.

Bên cạnh đó, còn có những loại hò khác như hò làm việc: hò đạp nước, hò tát nước, hò khiêng nước, hò xay lúa, hò giã gạo, hò giã đậu, hò giã vôi, hò mài dừa…Khi leo lên dốc, có hò leo dốc, khi đập đá có bài hò nện hay hò hụi, tiết tấu rất nhanh và theo nhịp đập đá, người kể hát một đoạn thì những người khác hát hù là khoan….để làm tăng sức mạnh khi làm việc, chẳng hạn bài hò hụi, người hát đơn ca gọi là “kể” và hát một mình.

Chúng ta biết rằng ở miền Bắc điệu lý rất hiếm chỉ có điệu Lý Cây Đa, nhưng đi vào miền Trung có bài đặc biệt Lý Con Sáo Trung, Lý Con Sáo Quảng, ở Thừa Thiên hát bài Lý Con Sáo thay vì hát “ơi người ơi” thì hát “tang tình tang” nên bài Lý Con Sáo gọi là bài Lý Tình Tang.

Ngoài ra còn có một bài khác khi hát về Mười Thương thì đổi thành Lý Mười Thương, những điệu khác chúng ta đều thấy rằng có những bài hò và lý đi sát với việc làm của người dân miền Trung.

Cung bậc và điệu thức của bài hát sẽ là yếu tố quyết định xuất xứ của bài dân ca. Mặc dù, khi một điệu hát ở miền này được du nhập sang miền khác sẽ bị địa phương hóa đi ít nhiều, nhưng nét chính vẫn nhận ra được.

Theo một số tài liệu cho thấy, nếu so sánh giữa dân ca miền Trung và miền Bắc, thì các giai điệu dân ca miền Bắc thường sử dụng thang âm với âm sắc tươi sáng, nhẹ nhàng trong khi những bài dân ca miền Trung thường mang điệu thức tế nhị và phức tạp hơn. Những nhà nghiên cứu cho rằng sự phức tạp và thay đổi trong dân ca miền Trung so với dân ca miền Bắc là vì ảnh hưởng của dấu giọng khi phát âm đồng thời do ảnh hưởng của Chiêm Thành ngày xưa.

Ngoài ra, dân ca miền Trung còn bị những yếu tố như tình trạng xã hội, phong thổ, địa lý cũng ít nhiều ảnh hưởng đến điệu thức dân gian cho vùng đất này… Người ta cho rằng, có thể do những gian khổ chất chồng cộng với thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra sự thâm trầm trong suy tư, trong tâm hồn của người miền Trung… Vì thế những điệu hát trầm buồn, mênh mông, man mác cũng là những âm bậc đặc trưng chỉ có ở miền Trung mà không xuất hiện trong dân ca miền Bắc và miền Nam.


Vũ Hoàng

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/central-province-folklores-vh-02232014104605.html