Quỳnh Giao
27.6.2006

The Phantom of the OperaNgười ta kể là thời xưa, Andrew Lloyd Webber ngưỡng mộ đảng Bảo Thủ của Anh. Khi đảng thắng cử, ông ăn mừng bằng cách... tự thưởng một bức cổ họa trị giá mấy chục triệu bạc! Bạc đây là đồng Anh kim, còn nặng hơn đồng Mỹ kim.

Ông có thừa khả năng ấy vì là nhà sưu tầm cổ họa, có nguyên một bộ tranh trị giá mấy trăm triệu Mỹ kim. Hiện nay, ông là một trong gần trăm người giàu nhất Anh Quốc, tài sản chừng một tỷ Mỹ kim. Ông còn được hoàng gia phong là Nam Tước, Baron Lloyd-Webber và có một bộ sưu tập gần hai chục giải thưởng đáng nể nhất về nghệ thuật.

Nhưng Andrew Lloyd Webber không nổi tiếng ở những chuyện... ngoài da đó.

Ông nổi tiếng là nhà soạn nhạc thành công và thành công nhất ở một vở opera làm người ta nổi da gà vì thích hơn là vì sợ.


Vở "The Phantom of the Opera" của ông đạt hàng loạt kỷ lục. Từ hai chục năm nay, vở hát được trình diễn nhiều nhất và lâu nhất tại London và Broadway lẫn nhiều sân khấu khác trên thế giới, và đạt số thu hơn hẳn bộ phim có doanh thu cao nhất cổ kim là Titanic. Truyện tình trên con tàu Titanic đem lại chỉ có hai tỷ Mỹ kim, thua xa "bóng ma trong nhà hát", ba tỷ hai trăm triệu. Riêng số thu tại Hoa Kỳ đã lên tới 600 triệu Mỹ kim.

"The Phantom of the Opera" là nguồn doanh thu lớn nhất của lịch sử Broadway, năm nay vừa ăn đứt kỷ lục của vở "Cats", cũng của Andrew Lloyd Webber. Người ta tính ra là thế giới có 80 triệu người đã xem ma của Lloyd Webber, trong đó có 11 triệu người đã xem tại sân khấu New York. Nghĩ lại, Andrew Lloyd Webber quả là một nghệ sĩ kinh doanh hạng nhất. Ông cho thực hiện vở opera của mình bằng nhiều thứ tiếng, trình diễn tại mấy chục quốc gia của khắp năm châu, và là nhà sản xuất của cuốn phim cùng tên năm 2004 và vừa được tung ra vài tháng trước dưới dạng High Density DVD.

Và tiếng hát của the Phantom cho đến nay vẫn chưa dứt.

Andrew Lloyd Webber sinh tại Anh, cha là nhà soạn nhạc, mẹ là giáo sư dương cầm. Có huyết thống ấy, ông lại đi học sử! May là ông sớm bỏ sử về với nhạc và sớm thành nhà soạn nhạc danh tiếng. Người ta nói đến Andrew Lloyd Webber như một superstar từ năm 1970, khi ông mới trên hai mươi, qua vở opera ông viết theo nhạc rock, "Jesus Christ Superstar".

Ðưa Chúa vào opera trên giai điệu rock, tác giả quả là người sáng tạo.

Kế tiếp là một chuỗi thành công như "Evita" viết về cuộc đời nàng Eva Peron, vở "Cats", dựa trên một tác phẩm của T.S. Eliot. Sau đấy là vở "The Phantom of the Opera", xuất hiện cách nay đúng 20 năm, 1986, và ngày nay vẫn còn lẫy lừng.

Năm 1909, một nhà văn Pháp là Gaston Leroux đã viết một truyện feuilleton đăng từng kỳ trong hơn một năm trời theo thể loại vừa thần kỳ vừa kinh dị - style Gothique. Hãy nghĩ tới Lan Khai và Thế Lữ trong loại truyện ma, hòa điệu với Nguyễn Tuân trong "Chùa Ðàn", thì có thể mường tượng ra một phần nào Le Fantôme de l'Opéra của Gaston Leroux. Truyện ấy về sau được dịch qua Anh ngữ rồi dựng thành phim, hoặc gợi hứng cho cả trăm tác phẩm khác. Nhưng Con Ma của Gaston Leroux chỉ trở thành hiện tượng âm nhạc độc nhất cổ kim kể từ Andrew Lloyd Webber.

Ông viết vở này vì... vợ, cho vợ, là nàng Sarah Brightman.


Steve Barton và Sarah Brightman ca All I ask of you

Một nhân vật tật nguyền lẩn lút sống dưới... đáy hồ của nhà hát Opéra de Paris. Con người xấu xí này tự xưng là "con Ma của Hý viện" và ẩn hiện bất thường kỳ bí trong hý viện. Quasimodo của Nhà Thờ Ðức Bà là người gù xấu xí nói ngọng, chứ con ma này lại yêu nhạc hát hay và rất khó tính với nghệ thuật. Ông si mê và bắt cóc một thiếu nữ trong dàn hợp xướng của hý viện, nàng Christine, để luyện giọng cho nàng thành đệ nhất soprano của hý viện... Nàng có tấm lòng trung hậu và tiếng hát thiên phú nhưng còn thiếu cái hồn nghệ thuật.

Mối tình giữa ma và người, ác quỷ và giai nhân, lại chan hòa màu sắc sân khấu và thanh âm của nhạc, chìm sâu trong cõi u linh của mặt hồ dưới lòng đất, nức nở nghẹn ngào trên nóc hý viện...

Andrew Lloyd Webber viết các ca khúc của nàng Christine cho Sarah Brightman trình diễn.

Sau này, hai người chia tay nhưng vẫn là bạn. Và chúng ta có những ca khúc thực sự "để đời".

Trong loại nhạc pop, chúng ta đã nghe các ca khúc thịnh hành qua tiếng hát của rất nhiều ca sĩ thượng thặng, như "I Don't Know How to Love Him", "Don't Cry for Me, Argentina", "Memory" hay "The Music of the Night". Ðấy là các ca khúc của Lloyd Webber trong những vở hát nổi tiếng nhất của ông đã lan vào đại chúng thành nhạc phổ thông.

Nếu chưa có dịp xem vở The Phantom này thì mình vẫn có thể mua DVD về xem và nghe, dù nhân vật thủ vai Con Ma (Gerard Butler) lại có giọng baryton thay vì giọng tenor như ca sĩ nguyên thủy trong vở kịch tại London và New York là Michael Crawford.


The Music of the Night - Michael Crawford và Sarah Brightman

Dấu ấn của Con Ma, bài "The Music of the Night" là ca khúc tuyệt hay mà khó hát, được Andrew Lloyd Webber viết với cung Ré giáng trưởng theo nhịp 4/4, có âm vực trải trên hai octaves, từ nốt thấp nhất lên tới nốt cao nhất, La giáng, bằng tiếng ngân!

Muốn thành nam danh ca thì nên thử bài này, nhưng coi chừng bị Ma quở!

Yêu thích các tác phẩm "vượt thời gian", chúng ta nhớ đến ba phim The Godfather do Francis Ford Coppola làm đạo diễn năm 1972, 1974 và 1990. Trong cảnh cuối của phim đầu, lễ rửa tội của đứa con gái của Micheal Corleone là cơ hội cho Bố Già "trẻ" Michael này ra tay diệt các đối thủ. Ðứa bé gái còn ẵm ngửa trong cảnh ấy là Sophie Coppola. Trong phim thứ ba thực hiện 18 năm sau, nàng thủ lại vai con gái của Michael Corleone. Từ sân khấu qua màn ảnh, The Phantom của Lloyd Webber cũng có cảnh ngộ "vượt thời gian" 18 năm.

Khi Andrew Lloyd Webber thực hiện vở The Phantom of the Opera năm 1986, thì Emmy Rossum mới khóc chào đời. Mười tám năm sau, nàng hát trong bộ phim cùng tên. Trước đấy nàng đóng vai con gái của Sean Penn trong phim Mystic River do Clint Eastwood làm đạo diễn. Trước đấy nữa, khi lên bảy, nàng là "ca nhí" trong Metropolitan Opera. Emmy Rossum hát opera từ bé, tới khi thành thiếu nữ thì bước qua điện ảnh và kịch nghệ. Nàng trở về với opera ở trong phim là nhờ The Phantom và Andrew Lloyd Webber.


Emmy Rossum ca Think of me trong phim The Phantom of the Opera

Khi tìm nữ diễn viên cho vai chính, Andrew Lloyd Webber chọn Emmy Rossum trước sự ngạc nhiên của mọi người vì nàng chưa có tên tuổi gì. Nhà soạn nhạc của chúng ta thực ra tinh đời như ma. Ông chấm ra vẻ ngây thơ và yếu ớt của Emmy Rossum và nghe ra âm sắc rất đẹp của nàng. Có thể Andrew Lloyd Webber còn thấy một đức tính khác của cô bé năm đó mới có 16 tuổi: Emmy là người có chí.

Ðể hoàn toàn nhập vai Christine, Emmy tập vũ ballet, rồi từ New York bay qua Paris nghiên cứu trong viện bảo tàng bộ tranh của Degas về các nữ vũ công rồi lên nóc Opera hít thở không khí cô đơn trong đêm vắng, chui xuống hầm ẩm tối để cảm ra cõi sống âm u của The Phantom. Ở cô bé ấy, chẳng có gì là ngẫu hứng mà là một sự chuyên cần.

Ở Andrew Lloyd Webber cũng thế. Ông soạn 16 vở ca vũ nhạc, viết nhạc phim và thực hiện nhiều vở hát qua một công ty ông thành lập tại Luân Ðôn, có tên là The Really Useful Group. Trong tương lai không xa, chúng ta có thể được xem vở Sunset Boulevard (Ðại lộ Hoàng Hôn) của ông sẽ được dựng lại thành phim. Ông là người đi trên đại lộ thênh thang của nghệ thuật sân khấu, nhưng còn lâu mới bước vào hoàng hôn.

Andrew Lloyd Webber sinh năm 1948, còn quá trẻ!

Quỳnh Giao

Theo NgườiViệt
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất