Thu Hà
3.4.2013

TT - Hà Nội có hai mùa thu hoạch của ca nhạc rất rõ rệt là cuối xuân đầu hạ và cuối thu đầu đông. Như đầu mùa biểu diễn ca nhạc năm nay, có những sô ca nhạc sát ngày diễn vẫn còn nhắn tin quảng cáo bán vé.

Một thông điệp hơi là lạ phát đi ngay đầu cuộc gặp gỡ báo chí của một chương trình ca nhạc đã định danh với uy tín của một nhạc sĩ và êkip nổi tiếng: "Chúng tôi phải gặp gỡ báo chí sớm vì ngay sau đây nữ ca sĩ chính sẽ bận đi biểu diễn xa. Xin các bạn đừng đưa tin ngay về chương trình của chúng tôi cho đến ngày xyz, vì còn có một chương trình của một êkip khác sắp ra mắt trong những ngày đó, và có sự tham gia của một ca sĩ trong êkip chúng tôi. Nếu đưa tin trước ngày đó, e rằng việc bán vé của các đồng nghiệp sẽ gặp khó khăn".

Không ai nghi ngờ thiện chí của vị nhạc sĩ lâu nay vốn được tiếng fair-play trong showbiz. Nhưng điều đó lại làm bật ra một thực tế mà lâu nay những người tổ chức biểu diễn đang cố gắng gồng gánh và gói ghém: làm sô ca nhạc - nhất là ca nhạc chất lượng cao (đồng nghĩa với giá vé cao) - đã không còn dễ dàng như trước nữa.

Năm 2012 đã có những dấu hiệu không vui vẻ với những sô nhạc được mệnh danh "chất lượng cao", mở đầu bằng việc lặng lẽ đóng cửa "Không gian âm nhạc" - một không gian đẳng cấp của những người chơi nhạc và nghe nhạc, không có bất cứ phụ gia nào khác ngoài nhạc cụ và giọng hát. Tình hình "sốt vé" của chương trình In the spotlight cũng cứ giảm nhiệt dần qua từng số - dù chất lượng không hề giảm. Ðến hai số cuối cùng của năm: Hồng Nhung - Có phải em mùa thu Hà Nội và Tuấn Ngọc - Riêng một góc trời thì đã có thể thấy chỗ trống khá nhiều và những tiếng thở dài kín đáo của êkip thực hiện.

Cơn sốt Bằng Kiều với giá vé "điên loạn" 14-15 triệu đồng/cặp ngoài chợ đen hồi tháng 10-2012 đã hạ nhiệt ngay sau đó với sự trở về lần thứ hai vào đầu năm 2013. Và lần đó, dù chương trình Mùa đông concert được dàn dựng tốt hơn rất nhiều, với những giọng ca hàng đầu VN cùng góp giọng với Bằng Kiều như Tùng Dương, Hồng Nhung, Trần Thu Hà... thì cơn sốt vé cũng đã hết, khán phòng được lấp kín bằng vé mời của nhà tài trợ. Rõ ràng sự ăn khách không hề tỉ lệ thuận với chất lượng nghệ thuật.

Từ ngày 30-3 đến 3-4 tại Hà Nội có tới bốn chương trình: hai đêm In the spotlight 6: Thanh Tùng - Chuyện tình của biển, ba đêm nhạc Phú Quang - Chuyện đời tôi, đêm nhạc Hẹn hò tưởng nhớ ba nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... và tháng 5 là Cầm tay mùa hè lần 3. Tất cả đều có giá vé "bèo" nhất cũng 500.000 đồng và cao nhất 2,5 triệu đồng. Các chương trình đều có những ca khúc hay, ca sĩ nổi tiếng và nhất là đều được dàn dựng bởi những êkip chuyên nghiệp và tận tâm, nhưng hỏi về tình hình bán vé, sẽ chẳng bao giờ nhận được nụ cười hào hứng như giờ này năm ngoái: "Hết sạch rồi". Có những sô ca nhạc sát ngày diễn vẫn còn nhắn tin quảng cáo bán vé. Ðúng là thời khủng hoảng, nhu cầu "xa xỉ" là xem-nghe ca nhạc bị chọn để xếp lại đầu tiên.

Vì thế, khi tỏ ý thông cảm với vị nhạc sĩ thời danh đang làm giám đốc nghệ thuật của một trong những chương trình ấy, anh cười mệt mỏi nhưng cũng khá tự tin: "Ðành cố gắng đầu tư vào chất lượng thôi, khi tiền thuê nhà hát và hợp đồng ca sĩ ngôi sao không thể xuống được nữa, khán giả "ruột" cũng chỉ có chừng ấy, làm cho họ thấy chương trình xứng đáng với tấm vé họ mua thì mới mong giữ được họ quay lại".

Thu Hà

Nguồn: http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoa-Giai-tri/Am-nhac/227939,Ha-Noi-mua-nhac-hay-kho-ban-ve.ttm