Thúy Bình
14/03/2012

Đã nhiều năm qua, nhạc Việt đứng chựng. Tác phẩm nghệ thuật chân chính xuất hiện và tồn tại trong sự khiêm tốn, nhún nhường trên các diễn đàn âm nhạc, trong khi các sáng tác không hay về ngôn từ, thẩm mỹ chuyên môn, lại được phô trương quảng bá, xuất hiện đầy rẫy. Nhiều người biểu diễn bị bó hẹp trong trào lưu phô diễn hình thể; lực lượng làm công tác lý luận phê bình yếu và thiếu... Tất cả đã và đang khiến nhạc Việt tồn tại nhàn nhạt...

Lỗ hổng chất lượng nghệ thuật

Nhìn bề nổi, thoạt trông các hoạt động âm nhạc hiện nay có vẻ rất xôm tụ, phong phú nhưng thực chất không ít nhạc sĩ trẻ, biết sử dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ sáng tác âm nhạc nhưng lại thiếu tâm huyết nghề nghiệp và kiến thức văn hóa, lịch sử... Lực lượng ca sĩ - người chuyển tải các tác phẩm âm nhạc đến công chúng lại ít được nâng cao chất lượng về chuyên môn. Với khán giả - những người có quyền quyết định khá lớn đối với sự sống còn của tác phẩm âm nhạc - lại chưa góp sức tác động tích cực cho thị trường nhạc Việt.

Mặt khác, đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp đang thiếu và chưa được phát huy đúng mức khiến nhạc Việt không được kịp thời điều chỉnh, định hướng đúng nhu cầu, thị hiếu của công chúng, đồng thời phê phán những khuynh hướng âm nhạc vô bổ, phản văn hóa, kém thẩm mỹ... Nhạc Việt dường như chênh vênh, có dấu hiệu đi thụt lùi vì sự tồn tại dai dẳng của các nguyên nhân trên. Hậu quả tất yếu chính là thị trường âm nhạc tồn tại sự lai căng, phản cảm, yếu kém trong phong cách trình diễn, trong sáng tác, đã dần định hình một xu thế phát triển các loại nhạc mì ăn liền với những ca từ, hình ảnh dung tục, thiếu tính thẩm mỹ, trào lưu biểu diễn thân thể thay thế nghệ thuật được đẩy lên, gây nhiễu loạn tình hình biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật.

Trong khi đó, các chương trình ca nhạc nghệ thuật chân chính trình chiếu trên truyền hình, thường vào lúc giữa khuya hoặc gần sáng! Đời sống âm nhạc phục vụ công chúng hiếm hoi với một vài chương trình giới thiệu các tác phẩm hội đủ yếu tố chất lượng và thẩm mỹ. Trong khi đó, khá đông những người sáng tác trẻ theo đuổi âm nhạc lại chưa khẳng định được vai trò, giá trị và thể hiện tốt nhiệm vụ kế thừa thế hệ cha anh đi trước.

Không thương mại hóa nghệ thuật

Nhạc sĩ Đức Trí từng chia sẻ, thị trường âm nhạc bão hòa với những tồn tại bất cập khiến anh và nhiều đồng nghiệp thấy bất an, chông chênh với nghề. Đó cũng là lý do khiến anh bớt say mê với công việc sáng tác, thay vào đó, anh nhận dạy nhạc cho các em học sinh ở một số trường học. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nản lòng trước thực tế hoạt động âm nhạc những năm qua. Không ít người ngậm ngùi chia tay nghề trong âm thầm lặng lẽ với bao nỗi day dứt. Khán giả trung thành với nhạc Việt cũng bộc bạch: Những năm qua, nhạc Việt quá hiếm hoi những tác phẩm âm nhạc đẹp, ấn tượng, đi vào lòng người và có sức sống dài lâu như những tác phẩm của thế hệ cha anh ngày trước.

Kết quả tốt đẹp dành cho nhạc Việt sẽ có được từ sự chung sức chung lòng của những người trong cuộc bao gồm các nhạc sĩ, ca sĩ, khán giả, các cơ quan hoạt động văn hóa, giới truyền thông, cơ quan quản lý văn hóa cùng phối hợp thực hiện. Người trong cuộc góp sức bằng cách trau dồi chuyên môn, kiên quyết nói không với các sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, dung tục, xử lý nghiêm các sai phạm trong biểu diễn nghệ thuật, thực hiện và quảng bá sâu rộng hơn nữa các chương trình nghệ thuật âm nhạc chất lượng, nâng cao việc giáo dục âm nhạc, thẩm mỹ cho giới trẻ. Đặc biệt, những người làm nghề không chỉ cần nhiệt huyết, sức trẻ mà phải có cả tâm đức với nghề.

GS Ca Lê Thuần từng phát biểu: "Đứng trước những thử thách khắc nghiệt giữa một môi trường âm nhạc đầy phức tạp và biến động càng đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được cái ngưỡng ích kỷ của bản thân để có thể bộc lộ cái tôi trong tác phẩm của mình bằng tất cả ý thức trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp".

Trong các hội thảo về âm nhạc TPHCM, Sở VH-TT-DL cũng từng có kiến nghị về việc chỉnh sửa, bổ sung một số quy định mới trong quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng lại kế hoạch và chương trình giảng dạy các bộ môn văn học, nghệ thuật trong trường phổ thông; không nên đặt nặng khái niệm thương mại hóa đối với lĩnh vực nghệ thuật... Với nỗ lực của những người trong cuộc, hy vọng âm nhạc 2012 sẽ khởi sắc hơn.

Thúy Bình

Theo SGGP