Hòa Bình
21.7.2011

“Lộ”, “hở” là “ăn tiền”

Không còn xa lạ với các chiêu “kêu gọi đầu tư” bằng cách “cởi đồ”, “khoe tuốt”, “sự cố” hở hang, bạn đọc Việt có lẽ nhiều người đã hiểu rằng sau mỗi lần dính scandal, chân dài sẽ được “thăng hạng” nhanh vun vút, nổi hơn trong làng sao, và đương nhiên điều kiện đi kèm là những mức thu nhập “khủng” cho mỗi lần xuất hiện.

Một số chân dài nhận catse hàng vài ngàn USD cho một bộ hình ảnh. Một số khác đóng 15 giây quảng cáo là có thu nhập vài chục ngàn.

Làng giải trí Việt giờ khá đông người sở hữu biệt thự, căn hộ cao cấp triệu đô, xe mấy tỉ, điện thoại dăm ba trăm triệu và những bộ cánh hàng hiệu đắt giá.

Tất cả những yếu tố  bên ngoài đó lại không phải là phương tiện phục vụ cho công việc của các sao. Để đi diễn, đi hát, đi đóng phim, người nổi tiếng chỉ cần sử dụng những “tài sản” trời cho là thân thể, gương mặt, giọng hát… của chính mình.

Thế còn các tài năng nghệ thuật thực sự đang bị đối xử như thế nào?

Lương cả đời không sắm nổi cây đàn

Một trong những nhạc sĩ được giới chuyên môn đánh giá rất cao là Trần Mạnh Hùng – hai năm liền đoạt giải đúp cả ca khúc lẫn khí nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – hiện còn đang phải ở nhà thuê. Trần Mạnh Hùng khẳng định nếu tiết kiệm lương giảng viên của anh, có mà đến một trăm năm cũng chả mua nổi nhà để ở. Nhạc sĩ này từng giảng dạy 10 năm ở Nhạc viện quốc gia Hà Nội, không được vào biên chế.

Để có thể bước lên sân khấu biểu diễn vĩ cầm như Bùi Công Duy, cần phải mất gần hai mươi năm tập luyện, tức là đã đi hết một nửa đời người, trong giai đoạn có sức bật mạnh mẽ nhất.

Sắm một chiếc đàn cho nghệ sĩ Bùi Công Duy, Tạ Tôn (violon), Văn Hùng Cường (piano) biểu diễn, cần vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Vậy, tài năng cần tu mấy kiếp để gặp được Mạnh thường quân, hay là cả đời đau khổ nhìn ngắm từ xa những cây đàn mơ ước nhưng giá đắt cắt cổ, khét lèn lẹt, cháy túi nghệ sĩ.

Thế mà đó lại chính là phương tiện để các nghệ sĩ tài năng có thể bước lên sân khấu, cống hiến cho nghệ thuật.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy và nhạc trưởng Lior Shambadal trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nghệ sĩ Bùi Công Duy và nhạc trưởng Lior Shambadal trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Lương giảng viên Nhạc viện cỡ tài năng như Bùi Công Duy chỉ vài triệu đồng (Xin không bật mí con số cụ thể là bao nhiêu, vì có đôi khi số tiền lương nhận được bị đánh đồng với giá trị của người sở hữu nó). Catse đi diễn của tài năng như Bùi Công Duy, ở Việt Nam, so với catse trả cho một ngôi sao giới giải trí, cùng lắm chỉ bằng một phần mười cho mỗi show diễn.

Lại không phải tuần nào cũng có cơ hội được diễn. Cả năm may lắm thì được vài lần đứng trên sân khấu rực rỡ đèn hoa. Bình thường, tài năng kiếm sống bằng gì để có thể nuôi thân, nuôi vợ, sinh con?

Vì thế cho nên, các tài năng Việt rất nhiều nhưng cứ lần lượt tung cánh bay xa. Sau khi học tập ở nước ngoài rồi, quay về nghĩa là… cụt ngọn sáng tạo, chặt cánh giấc mơ.

Đố kị, ghen ghét và “đánh đập” cá nhân

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đoạt giải ca khúc viết cho tỉnh Tuyên  Quang. Trị giá giải thưởng chỉ có 10 triệu đồng, đã nhận giải cách đây ba năm, bỗng dưng có người “khai quật” vụ việc với những lời lẽ hết sức chợ búa, gọi đồng nghiệp là “thằng”, “chúng nó”…, tưởng như “tố” ông Quân “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nhưng đọc kỹ đơn thì thực chất vì tác phẩm của mình không đoạt giải nên tức tối ăn vạ la làng, y như Chí Phèo thời hiện đại.

Sau khi BTC cuộc thi giải trình, thì việc nhận giải của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là hoàn toàn hợp lý, vì mỗi giám khảo chấm điểm riêng biệt và Đỗ Hồng Quân không phạm quy.

Thậm chí, cứ cho là giải thưởng có thể chưa minh bạch, rõ ràng, được lòng người tham gia, thì giá trị vật chất mười triệu đồng có phải là quá lớn để đồng nghiệp cùng giới phải “đánh cảnh cáo” nhau như nhân vật nọ khơi khơi tuyên bố?

ianist Trang Trịnh biểu diễn cùng dàn nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa
Pianist Trang Trịnh biểu diễn cùng dàn nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa

Dư luận ồn ào hơn vì một vụ việc khác khiến những người làm văn hóa nghệ thuật bàng hoàng, quá sốc. Báo chí lên án nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa vì nhận 5 triệu đồng/một tác phẩm khi dàn dựng biểu diễn tốt nghiệp cho sinh viên nhạc viện Hà Nội.

Trong khi trường có nhiều thầy nhưng sinh viên vẫn cứ chọn thầy Hoa. Không phải trách nhiệm của thầy bắt buộc phải dựng bài cho sinh viên, như thế có thể hiểu rằng loại công việc này là theo thỏa thuận giữa hai bên, và cái tên nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa thì đừng nói là dựng bài cho sinh viên mà giới chuyên môn âm nhạc của Việt Nam phải nể. Thế nhưng, sau khi dựng bài rồi, sinh viên đứng ra “tố” thầy lấy tiền, và không hiểu vì đâu đại diện Nhạc viện lại phản hồi rằng giá cho sinh viên như vậy là quá cao.

Sinh viên theo học đạo diễn điện ảnh buộc phải có vài trăm triệu để mời diễn viên, ca sĩ hát ca khúc trong phim, thuê làm nhạc, quay phim, dựng phim, hậu kỳ... Bài tốt nghiệp của họ cũng chỉ để giảng viên trong trường chấm điểm, không phải để công chiếu. Sinh viên theo học khoa sáng tác bắt buộc phải thể hiện tài năng trên tác phẩm khí nhạc được dàn dựng. Nếu không thể có tiền, thì ngay từ đầu, hãy hiểu rằng đừng nên làm khó gia đình và bản thân mà mơ hão có thể trở thành chỉ huy dàn nhạc.

Hoặc, nói cách khác, năm triệu đồng một sinh viên cho bài thi tốt nghiệp có phải là cái giá quá bèo đối với một chỉ huy tài năng?

Con số vài chục triệu từ những sinh viên ngành nghệ thuật trả cho trí lực, tài năng, cùng công phu hướng dẫn, giảng dạy của thầy có thể nào so sánh với đôi ba lần vén váy, xốc áo, ưỡn ẹo làm duyên làm dáng của các chân dài (mà nhiều khi là chân dài nhưng óc ngắn).

Đừng bao giờ mơ giấc mơ các tài năng thế giới đến Việt Nam biểu diễn mà chịu nhận catse giá bèo. Vậy, có nên mơ rằng các nhạc sĩ, nhạc trưởng, nghệ sĩ tài năng của chúng ta không dứt áo ra đi mà… nhịn nhục ở lại, cả đời chỉ dưa cà mắm muối cho qua ngày đoạn tháng, đêm không ngủ nằm vắt tay lên  trán ôm những mộng tác phẩm hoành tráng “kinh người”?

Hòa Bình

Nguồn: vietnamnet dưới tựa đề "Lộ hàng giá khủng, tài năng giá bèo"