Lê Phước
15.8.2012



Trong làng cải lương, mỗi nghệ sĩ có sở trường riêng: có người nổi tiếng với vai ác, có người chuyên trị vai hiền, có người thiên bẩm vai mùi, có người chỉ hợp với loại vai hài hước. Nhưng thỉnh thoảng có một vài nghệ sĩ thành công với hầu hết tất cả các loại vai. Trong đó, đứng đầu có lẽ là cô Ngọc Giàu, người được mệnh danh là "nghệ sĩ đa năng" của sân khấu cải lương.

Ngọc Giàu
Nghệ sĩ Ngọc Giàu có chất giọng thiên phú "lụa trải nhung căng" (DR)

Nghệ sĩ Ngọc Giàu tên thật là Phong Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1945, trong một gia đình lao động nghèo ở Thủ Thiêm (Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh). Ký ức tuổi thơ của Ngọc Giàu là những chuỗi ngày bần hàn, cơ cực. Mê ca hát nên những lúc rảnh rỗi cô bé Ngọc Giàu thường học ca vọng cổ qua đài phát thanh. Mới bảy tám tuổi đầu, Ngọc Giàu đã phải đi làm thuê làm mướn, ca hát giúp vui để chủ bán hàng. Năm lên 9 tuổi, cô cùng anh trai mình gia nhập một nhóm sơn đông mãi võ nhào lộn, phụ bán thuốc để nuôi sống gia đình.

Năm 12 tuổi, Ngọc Giàu bắt đầu xuất hiện trên sân khấu với vai tỳ nữ, ngâm thơ hậu trường. Sau đó một năm, Ngọc Giàu được đóng đào nhì rồi lên đào chánh. Năm 1958 là năm tạo mốc son cho sự nghiệp của Ngọc Giàu: cô được Vua Xàng xê Minh Chí giới thiệu cho hãng đĩa Asia nổi tiếng lúc bấy giờ (hãng đĩa Hồng Hoa sau này). Người viết bài ca cho Ngọc Giàu lần đó là "tổ sư đo ni đóng giày" Viễn Châu. Ông viết cho cô bé 14 tuổi Ngọc Giàu bài vọng cổ "Áo Tình Đắp Mộ Người Yêu".

Bài ca nhanh chóng chinh phục khán giả mộ điệu bốn phương, chinh phục cả đôi soạn giả cải lương hàng đầu lúc bấy giờ: Hà Tiều-Hoa Phượng. Thế là Hà Triều-Hoa Phượng đã giới thiệu Ngọc Giàu về đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga để đứng chung sàn diễn với Nữ hoàng sân Khấu Thanh Nga. Từ đó, bước đường vinh quang của Ngọc Giàu bắt đầu rực rỡ.

Có lẽ cái tuổi thơ gian khổ cùng với những tháng ngày gạo chợ nước sông, ăn quán ngủ đình, bôn ba tứ xứ cùng các đoàn hát đã giúp cho Ngọc Giàu có được nhiều trải nghiệm cuộc sống quý giá. Chính nhờ cái thực tế cuộc sống đó đã giúp cho vai diễn của Ngọc Giàu mang đậm dấu ấn của đời thường, và chính bởi Ngọc Giàu, mà đời thường đã bước lên sân khấu một cách rất tự nhiên.

Đó chính là đặc trưng trong phong cách ca diễn của Ngọc Giàu: không quá "hoa lá cành", không màu mè kiểu vẽ, mà rất chân thật, dung dị, và chính cái chân thật dung dị ấy đã khiến cho nhân vật trên sân khấu do Ngọc Giàu thể hiện trở nên gần gũi, dễ dàng nhận được sự đồng cảm của khán giả.

Nói cách khác, Ngọc Giàu đã thành công trong việc vận dụng kinh nghiệm thực tiễn vào vai diễn. Với Ngọc Giàu, "cuộc đời sân khấu" và "sân khấu cuộc đời" đã quyện làm một. Bởi thế cô là một nghệ sĩ hiếm hoi của sân khấu cải lương có phong cách diễn đa dạng, thành công với nhiều loại vai. Trên thực tế, Ngọc Giàu đã có nhiều vai diễn để đời với đủ thể loại: đào mùi, đào lẳng, đào hài, giả trai, giả lão...

Trong nghệ thuật ca diễn, diễn quá mức cũng không hay, mà đứng chết bộ lại càng dở. Bởi thế, các bậc thầy trong giới cải lương thường khuyên là: "Đã bước ra sân khấu thì phải diễn, nhưng mà đừng có diễn". Tức là, khi bước ra sân khấu thì phải diễn xuất, nhưng hãy cố gắng diễn sao cho thật tự nhiên đến mức như là không có diễn: Ngọc Giàu đã đạt được trình độ diễn xuất đó.

Thị Lộ, Đào mùi

Trong số vô vàn các vai đào mùi mà Ngọc Giàu thể hiện, thành công nhất có lẽ là vai Thị Lộ trong Rạng Ngọc Côn Sơn và vai Nguyệt Kiểu trong vở tuồng San Hậu. Hình tượng Thị Lộ của Ngọc Giàu trong Rạng Ngọc Côn Sơn, bên cạnh nghệ sĩ Minh Vương trong vai Nguyễn Trãi, thật gần gũi và dễ cảm.

Lớp diễn hay nhất là lớp tâm tình của Nguyễn Trãi và Thị Lộ trong tưởng tượng của bà sau vụ án Lệ Chi Viên, khi bà đang bị giam cầm trong ngục thất. Chỉ với hai tiếng "Đại phu!" thật ngọt ngào chậm rãi, Ngọc Giàu đã khiến cho con tim người nghe không khỏi ngậm ngùi, quặn thắt. Rồi khi hồi tưởng buổi sơ ngộ với Nguyễn Trãi, đáp lại bài thơ thất ngôn tứ tuyệt qua giọng ngâm của Nguyễn Trãi- Minh Vương :

"Ả ở nơi nào bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh phỏng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa ? Được mấy con?"

Thị Lộ-Ngọc Giàu đáp lại:

"Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!"

Ngọc Giàu có giọng thổ thâm trầm, lại có chút hơi hướng Huế, nên cô đã ngâm bốn câu thơ đáp lời nói trên một cách "ngọt lịm", êm như ru vậy. Bên cạnh đó, Ngọc Giàu đã chọn cách ngâm bài thơ không quá ướt át bi lụy, mà vừa có chút lãng mạn hòa với nỗi u buồn.

Đó là một cách diễn tinh tế, bởi nó thể hiện rất lô-gích tâm trạng của Thị Lộ đang ở trong tù, đau buồn vì toàn gia Nguyễn Trãi lâm tai kiếp, nhưng đoạn đối đáp trên thật sự là một kỷ niệm tình yêu tuyệt đẹp, đã khắc sâu vào tâm trí của Thị Lộ và Nguyễn Trãi, nên nó không thể nào không mang chút lãng mạn cho được !

Đến với vai Phàn Phụng Cơ trong vở tuồng San Hậu. bên cạnh nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Nguyệt Kiểu, Ngọc Giàu đã đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật ca diễn. Khi nghe Ngọc Giàu và Thanh Nga ca trong vở tuồng này, Người mê cải lương ắt hẳn không thể nào không thốt lên: "Nghe đã làm sao!"

Bà Hai Hương - Vai Lão

Ngọc Giàu bắt đầu vào vai lão khi mới 15 tuổi và đã để đời với nhiều vai lão. Hình tượng lão bà của Ngọc Giàu rất đôn hậu, chân thật, gần gũi. Vai lão ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả của Ngọc Giàu là vai bà Tư trong vở Bông Hồng Cài Áo. Ngọc Giàu đã để đời trong vai một người mẹ suốt đời tần tảo nuôi con. Ấy vậy mà hai đứa con của bà đã không hiểu được nỗi lòng người mẹ nên bỏ về ở với bà Nội giàu sang.

Để rồi ngày lại ngày, với gánh chè nặng trĩu trên vai, người mẹ ấy lại đến len lén nhìn con cho đỡ nhớ. Cái dáng đi chầm chậm, lầm lũi của người mẹ Ngọc Giàu cùng với tiếng rao hàng nghẹn ngào đứt quãng đã khiến cho khán giả ...khóc lúc nào cũng không biết.

Khán giả vẫn mãi thổn thức với câu vọng cổ mà người mẹ Ngọc Giàu tâm sự cùng hai con khi đến từ giã chúng lên đường về quê ẩn cư: "Nhớ hồi chúng còn bé, mình cho chúng cục kẹo chúng cũng mừng, đi đâu chúng cũng đòi theo. Còn bây giờ mình cho chúng cả cuộc đời chúng cũng không thèm nhận. Và sắp đi một chuyến không về nữa, mà chúng cũng chẳng thèm để ý và không muốn được cùng theo". Ngọc Giàu không ca hết nguyên câu dài, mà chọn cách ca đứt quãng thành từng đoạn ngắn, ấy như tiếng nấc, tiếng nghẹn ngào, thể hiện một nỗi lòng quặn thắt, nhưng phải cố kiềm nén trước mặt các con để cho chúng bớt phần ái ngại và lo lắng.

Với cách diễn không ồn ào, không khóc than thảm thiết, mà trái lại rất thâm trầm, chủ ý là để cho khán giả cảm nhận được từ nơi nhân vật sự uất nghẹn trong tâm hồn, sự quặn thắt con tim, cảm nhận được vô vàn giọt lệ đau thương đang ồ ạt chảy về tim, để rồi khán giả khóc cùng Bà Tư Ngọc Giàu lúc nào cũng không hay, để đến khi thấy lòng mắt cay cay, thì khán giả mới chợt nhận ra dòng lệ của mình đang lăn dài trên má để đồng cảm với Bà Tư Ngọc Giàu trên sân khấu. Đó chính là "tuyệt chiêu" lấy nước mắt khán giả của Ngọc Giàu.

Cũng không thể không nhắc đến vai bà Hai Hương trong vở cải lương Đời Cô Lựu. Cải Lương Chi Bảo Bạch Tuyết từng nhận xét về vai diễn này của Ngọc Giàu như sau: "Vai Bà Hai Hương trong Đời cô Lựu là một chuẩn mực của nghệ thuật ca diễn Ngọc giàu. Chất đôn hậu, chân chất mà dí dỏm được thể hiện cả trong đường kim mũi chỉ, cho đến cái dáng điệu lúi húi, nụ cười thật thà mà chua chát, bàn tay run rẩy tìm cho ra chai dầu xanh".

Hoạn Thư, Đào độc

Nhắc đến Ngọc Giàu, người mộ điệu cải lương còn nhớ đến những vai diễn "vô cùng đáng ghét", tức những vai đào độc. Ngọc Giàu đã đưa nhân vật Hoạn Thư từ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du bước lên sân khấu cải lương một cách tuyệt diệu. Dường như đến giờ phút này, chưa nghệ sĩ nào đóng vai Hoạn Thư đạt đến trình độ diễn xuất của Ngọc Giàu.

Hoạn Thư-Ngọc Giàu đã cho khán giả "Tận mục sở thị" thế nào là "Bề ngoài phơn phớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao". Vai diễn Hoạn Thư của Ngọc Giàu thành công đến mức có lúc khán giả ngồi bên dưới quên mình đang xem cải lương, nên đã ném giày dép vào cô Hoạn Thư-Ngọc Giàu trên sân khấu.

Ngọc Giàu đã khắc họa nhân vật này một cách rất tinh tế: không ồn ào trong cách diễn nhưng lại vô cùng khốc liệt trong diễn biến tâm trạng. Ngọc Giàu đã để cho nhân vật Hoạn Thư khóc khi nghe Thúy Kiều và Thúc Sinh hát đối đáp Chiêu quân Khúc với nhau. Giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ ấy của Hoạn Thư-Ngọc Giàu đã bộc lộ được nỗi đau đớn tột cùng trong một tâm hồn rất ư là... phụ nữ.

Đến lúc đó, khán giả mới bắt đầu cảm thấy thương cho số phận của người vợ Hoạn Thư phải chịu cảnh chồng chung. Đến lúc đó khán giả mới chợt hiểu ra rằng: "Ghen tuông vốn chuyện người ta thường tình". Lối diễn xuất này đã góp phần làm cho cải lương trở nên chân thật, gần gũi hơn với cuộc sống, một cách diễn đến hiện tại trong làng cải lương hiếm có nghệ sĩ thể hiện được trọn vẹn.

Một vai đào độc nữa không kém phần đặc sắc đó là vai Hoàng Hậu Thượng Dương trong vở cải lương Câu Thơ Yên Ngựa. Vở tuồng kể lại việc giặc Tống sang xâm lấn nước ta, võ tướng Lý Thường Kiệt lo trấn thủ biên cương, văn quan Lý Đạo Thành lãnh nhiệm vụ lo bề chính trị trong nước, dưới sự nhiếp chính của thái hậu Ỷ Lan. Trong bối cảnh ấy, tức giận vì mất ngôi thái hậu, hoàng hậu Thượng Dương đã cấu kết với gián điệp phương Bắc để phá rối triều đình. Ngọc Giàu thủ vai này xuất sắc, khiến cho người xem "không ghét cũng không được".

Độc đáo nhất là đoạn khi âm mưu bại lộ, giữa trào đình, Lý Đạo Thành đề nghị xử tội chết, thái hậu Ỷ Lan thì đang phân vân, lúc đó Thượng Dương-Ngọc Giàu nài nỉ van xin thái hậu tha chết, nhưng qua ánh mắt, giọng nói, Thượng Dương-Ngọc Giàu đã cho khán giả thấy rằng: Ôi, đó là một vị hoàng hậu thâm hiểm đến mức không thể nào thâm hiểm hơn được nữa !

Đại náo làng hài

Nhắc đến Ngọc Giàu còn nhắc đến một tài năng hài kiệt xuất. Ngọc Giàu bắt đầu đến với hài vào năm 1984 khi lần đầu tiên cải lương Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người" trên đất Pháp. Trong vở Đời Cô Lựu của cố soạn giả Trần Hữu Trang, Ngọc Giàu đã kiến trúc thành công một vai diễn để đời: Vai Cô Bảy Cán Vá.

Số là trong nguyên tác của cụ Trần Hữu Trang, đây chỉ là vai người ở, một vai "vô cùng phụ", chỉ chiếm có vài dòng trong kịch bản. Ngọc Giàu đã phải thủ vai bà Hai Hương, là một vai lão mùi, vậy mà cô đã xông xáo nhận luôn vai "con sen". Cái vai phụ bé nhỏ ấy qua tay Ngọc Giàu bổng nhiên không còn bé nhỏ nữa: Ngọc Giàu đã sáng tạo thêm cái tay cán vá cho nhân vật, cùng nhiều mảng miếng hài hước độc đáo khác.

Chỉ mới trong màn trước với vai bà Hai Hương, Ngọc Giàu vừa lấy xong nước mắt khán giả, vậy mà ngay màn sau khán giả lại được một phen cười nghiêng ngã khi Cô Bảy Cán Vá - Ngọc Giàu đại náo trên sân khấu. Đạo diễn tuồng lúc bấy giờ là Nghệ sĩ Huỳnh Nga còn phải công nhận tài năng sáng tạo nghệ thuật hiếm có của Ngọc Giàu và cho rằng: "Ngọc Giàu là người có tài biến không thành có".

Cái hay của Ngọc Giàu đó là, với cánh tay cán vá, người xem không cảm thấy một dị tật bị đem lên làm trò hề trên sân khấu, mà trái lại, sau khi xem cô Bảy cán vá của Ngọc Giàu, người ta bắt đầu cảm thấy cái tay cán vá nó duyên dáng làm sao.

Thêm vào đó, một sáng tạo khác của Ngọc Giàu không chỉ đặc sắc trong nghệ thuật, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khi bị ông chủ là chồng cô Kim Anh la mắng, "con sen" Bảy Cán Vá - Ngọc Giàu khóc tức tưởi. Cô bảy khóc bù lu bù loa trên sân khấu trong khi bên dưới khán giả lại cười nghiêng ngữa thế mới hay! Và cô Bảy tự than thân: "rong cái nhà này, có một chút vui vẻ cũng không được với người ta!".

Rõ ràng là "ở trong cái nhà này", cô Bảy là người ở đợ, mà cái vị thế của người ở đợ trong bối cảnh lịch sử đó thì làm sao tìm thấy niềm vui cho được. Bởi thế, cô Bảy ở đợ Ngọc Giàu nói với cô chủ Kim Anh khi cô này về đến nhà và nghe cô Bảy kể việc vừa bị chửi : "Dù em ở đợ, nhưng em còn có cái cương vị của em chớ".

Khi Ngọc Giàu nói câu này, khán giá không hề thấy một cái gì nặng nề về chính trị, nhưng càng nghĩ lại thì thấy sâu sắc, càng thấy hay và càng thấy thương cho số kiếp tôi đòi!. Như vậy, cái hài của Ngọc Giàu không phải là cái hài dễ dãi, kiểu chọc cười rẻ tiền, mà là cái hài có trình độ, có nghệ thuật.

Lục Vân Tiên - vai giả trai

Vóc dáng Ngọc Giàu không to cao, tướng tá không lớn, tức không có ưu thế để đóng vai nam. Ấy thế mà cô vào vai nam rất ngọt và đã có nhiều vai diễn để đời. Trong các vai đó, vai diễn gắn liền với tên tuổi Ngọc Giàu là vai Lục Vân Tiên trong tuồng Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga, bên cạnh nghệ sĩ Bạch Tuyết thủ vai nữ chính.

Có thể nói, hình tượng Lục Vân Tiên qua nét diễn xuất của Ngọc Giàu vừa oai phong, lẫm liệt, vừa đa tình, tài hoa... đã trở thành một chuẩn mực cho vai diễn này. Dù đã diễn đi diễn lại nhiều lần nhưng cứ hễ đến lớp tương phùng, khi Lục Vân Tiên- Ngọc Giàu vừa ôm Kiều Nguyệt Nga- Bạch Tuyết là khán giả lại vỗ tay vang dội bởi đó là một khoảnh khắc nghệ thuật tuyệt đẹp-đẹp bởi cái tình son sắc thủy chung của hai nhân vật, và đẹp vì thế tạo hình hoàn mỹ của hai nghệ sĩ bậc thầy trên sân khấu.

Bên cạnh một quốc trạng lẫm liệt oai phong, Ngọc Giàu cũng mang đến cho khán giả một Lục Vân Tiên có tình có nghĩa với nét diễn bi hùng xuất thần. Khi vị khách quốc trạng lần đầu tiếp chuyện với người phụ nữ góa chồng là con gái của gia chủ, mà chẳng ai khác hơn đó chính là Kiều Nguyệt Nga, người mà Vân Tiên ngày thương đêm nhớ, quốc trạng-Ngọc Giàu đã mở lời : "Thưa chị, người tiết hạnh thật là cao quí, mong rằng những lời thô thiển không làm vẫn đục tấm lòng trinh, xin người quá phụ nể tình bỏ lỗi". Ngọc Giàu chọn cách nói chậm rãi, nhấn từng chữ một, qua đó người nghe có thể cảm nhận được một vị quốc trạng đang đong đầy tâm sự.

Đến đoạn: "Xin người góa phụ", Ngọc Giàu lại xử lí bằng cách nói lớn tiếng, và sau đó đến những chữ "nể tình bỏ lỗi" thì Ngọc Giàu nói nhỏ lại bình thường, như thể nổi niềm tâm sự kia chợt dâng trào mãnh liệt, toan vỡ òa ra bên ngoài, thế nhưng đấng trượng phu không thể ủy mị khóc than, nước mắt đàn ông không thể chảy bên ngoài, bởi vậy vị quốc trạng đã kịp thời ngăn cảm xúc.

Dù không để cảm xúc bộc phát ra ngoài, nhưng qua cách diễn, cách nhấn chữ của Ngọc Giàu, người xem có thể cảm nhận được vị quốc trạng oai phong kia đang cố gắng kiềm nén tâm sự của mình. Nói chung, Ngọc Giàu đã thể hiện chất bi hùng của nhân vật một cách rất tinh tế. Nghệ sĩ Bạch Tuyết từng nhận định: " Hình tượng Lục Vân Tiên qua phong cách Ngọc Giàu vẫn là một chuẩn mực không một ai thay thế. Những hình tượng Lục Vân Tiên đến nay hầu như chưa làm nổi bước cách tân, so với Lục Vân Tiên-Ngọc Giàu ngày ấy".

Lụa trải Nhung Căng

Ngọc Giàu không chỉ nổi danh qua tài diễn xuất trong các tuồng cải lương, mà cô cũng đã để đời nhiều bài vọng cổ đặc sắc, từ tuổi học trò đến tâm sự tuổi già, từ xã hội đến kiếm hiệp. Giọng ca của Ngọc Giàu được cho là "Lụa trải Nhung Căng": một giọng ca ngọt ngào, nhẹ nhàng, êm dịu như lụa như nhung.

Ngọc Giàu có một lối ca đúng với bản chất của âm nhạc miền nam là "Chân phương hoa lá", tức ca một cách rất chân phương, nhưng không để bài ca chết khô, mà cô dùng giọng trời phú "lụa trải nhung căng" cùng với lối luyến láy điêu luyện, khiến cho bài hát có đủ hoa lá cành tươi tốt.

Ngọc Giàu có một giọng thổ đặc biệt, khó ai có thể bắt chước, lại thêm vào đấy một chút hơi hướng của sông Hương núi Ngự, khiến cho làn hơi trầm trầm của cô chứa đầy nhạc điệu, là lạ khó quên. Người mê vọng cổ làm sao quên được giọng ca Ngọc Giàu trong hàng loạt bài vọng cổ đặc sắc: Áo Tình đắp mộ người yêu, Tình mẫu tử, Đời nghệ sĩ, Dương Quý Phi, Khúc nhạc từ ly, Trọng Thủy Mỵ Châu, Kiều Phong A Châu...

Trong làng sân khấu cải lương, thỉnh thoảng cũng có một vài nghệ sĩ có thể diễn được nhiều tính cách nhân vật, nhưng để đạt được thành công như Ngọc Giàu thì quả thật đến hiện tại vẫn chưa thấy có ai. Nghệ sĩ Ngọc Giàu thật sự là "một hiện tượng lạ", "một viên kỳ ngọc" của sân khấu cải lương.

Năm 16 tuổi, Ngọc Giàu đoạt "huy chương vàng triển vọng" giải Thanh Tâm. Năm 1963 cô nhận "huy chương vàng xuất sắc" giải Thanh Tâm, là một trong sáu nghệ sĩ hiếm hoi đạt được giải thưởng cao quí này. Năm 1979, Ngọc Giàu được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và năm 2012 được đặt cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cùng với người thầy của mình là soạn giả Viễn Châu, và hai người bạn diễn thâm niên là nghệ sĩ Lệ Thủy và nghệ sĩ Bạch Tuyết.


Lê Phước

Nguồn: RFI