Chỉ mục bài viết

1. Lòng vòng …

Băng, đĩa nhạc ở miền Nam Việt Nam, sau 15 năm lặng lẽ thì vào đầu những năm 1990, lại âm thầm chộn rộn hẳn lên hiện tượng: hàng loạt ấn phẩm âm nhạc Âu-Mỹ ngoài luồng xuất hiện, “đựng” trong loại băng cassette, bọc nhựa 3 mặt, mà giới mua bán gọi là Băng kẹp Thái. Sự kiện băng kẹp Thái, sau này sẽ được giới nghiên cứu việc quảng bá kỹ nghệ âm nhạc đề cập kỹ lưỡng.

Với tôi, đó là một cơn mưa dầm, giải hạn cho giới mê nhạc ở Việt Nam. Thôi thì đủ mọi thể loại, nhạc có lời, nhạc không lời; từ phổ thông đại chúng tới các bài bản hàn lâm. Xuất xứ là Audio CD gốc, bay từ Mỹ qua mấy “lò” sang băng của Thái Lan để tới xứ Việt.



Chất lượng âm thanh tuy không đồng đều ở từng loại nhưng chấp nhận được.

Hình thức in ấn đơn giản. Bìa nhạc chỉ là một tờ giấy couché mỏng in offset vuông vức 10 phân. Danh mục bài nhạc nhiều lỗi chính tả; không ghi xuất xứ, nội dung bản nhạc, cũng như tác giả và người trình diễn. So với thời đĩa nhựa 45 vòng, 33 vòng ngày trước thì băng kẹp Thái có hình thức quá tệ.

Yêu cầu thương mại làm giảm đi nét sang trọng của của sản phẩm. Nhưng nó đã được người yêu nhạc Việt Nam hồi đó chấp nhận như một thứ nước giải khát bình dân cho khách đường xa.

Hồi đó mỗi tháng tôi chỉ có thể mua nỗi một, hai băng nhạc (giá tiền mỗi cái ước chừng một tô phở) là nghe suốt tuần từ cái máy cassette xách tay nhỏ. Vì vậy cuộn băng nghe 70 phút ở đầu tháng, sang cuối tháng trở nên “dài” hơn 70 phút1.


Tôi thường mua loại nhạc đàn guitar, có giai điệu dễ nghe, để có thể "nhâm nhi" hoài không chán.

Người khác nghe nhạc, thì quan tâm tới âm thanh, còn tôi lại lẩn thẩn “dòm ngó” tới tác giả và mấy chuyện lòng vòng loanh quanh bản nhạc.

Chẳng qua là trong mớ băng nhạc guitar, chừng hơn chục cái của tôi, có ba bài nhạc thật hay nhưng xung quanh nó có nhiều tình tiết thực hư làm tôi cứ băn khoăn mãi, đó là các bài: Johnny Guitar, Romance d’Amour Concerto de Aranjuez.


Điểm chung ở ba bài này là rất phổ thông. Chúng có nhiều phiên bản với nhiều loại hình biểu diễn khác nhau. Đồng thời cả ba cũng có điểm giống nhau là xuất xứ không rõ ràng.

Vào những năm 1990, tìm cho ra ngọn ngành một nhạc phẩm là điều không tưởng.

Phải nhiều năm sau…
Năm 1997, với tôi thật đáng ghi nhớ, bởi hai việc:

Thứ nhất, băng kẹp Thái mất dần chỗ đứng, nhường chỗ cho CD chép lậu của Tàu. Âm nhạc ngoài luồng tiếp tục khởi sắc bởi chủng loại đa dạng hơn, giá cả rẻ hơn. Đặc biệt tiện dụng vì chuyển sang cách lưu trữ, ghi âm bằng kỹ thuật số.

Thứ hai, ở Quy Nhơn dân chúng bắt đầu được dùng Internet; tìm kiếm thông tin & gửi thư qua mạng.

Internet của mấy năm cuối thế kỷ 20, đường truyền quay số chậm quá. Thông tin trên mạng lúc đó cũng chưa nhiều.

Sang đầu thế kỷ 21, đã có kết nối ADSL, cùng sự lớn mạnh của cỗ máy tìm kiếm Google, tôi nghĩ với chút nỗ lực, mình có thể google để tìm điều mà năm 1990 tôi không thể.

Nhưng nó có vẻ như tôi đã làm chuyện dò kim đáy bể. Hiện tại, vào năm 2009, ở Việt Nam gõ mấy chữ như Johnny Guitar tại ô tìm kiếm Google trên computer để có một sự thật như ý muốn quả không dễ dàng. Trong vòng 0,10 giây, nó thông báo có 20.100.000 kết quả liên quan tới Johnny Guitar.

Từ một thời điểm không bao giờ có thể, cách đây 20 năm, đến nay có tới nhiều triệu điều có thể. Kinh khủng quá ! Nhưng quá nhiều thông tin lại không là chuyện đáng mừng, vì nó đã vượt ra ngoài khả năng xử lý thông thường của con người.

Sau khi mệt mỏi lần mò đọc từng mẩu tin, tôi mới nhận ra Google chứa “rác” cũng nhiều. Chẳng khác gì đãi vàng trong sa mạc ! Không lẽ bỏ cuộc !
Và để có những kết quả như mong đợi, tôi đã phải vất vả kết hợp nhiều phương tiện cũ mới khác nhau. Giờ đây mới đạt được đôi điều.

Chú thích:
1 Các bạn có biết tại sao không ?

 



Trước hết sẽ nói về bản nhạc Johnny Guitar.

2. Johnny Guitar
Johnny Guitar do Victor Young2 viết năm 1954, cho nhạc phim cùng tên Johnny Guitar3. Lời Anh của Peggy Lee (ca sĩ hát cho phim này). Xin mời các bạn nghe và xem các video clip sau đây:


Đoạn mở đầu phim Johnny Guitar với đoạn nhạc dạo bản nhạc Johnny Guitar


Đoạn cuối phim Johnny Guitar với giọng hát Peggy Lee (1920-2002)


Danh ca Ý Giuni Russo (1951-2004) trình bày ca khúc Johnny Guitar
 
 

JOHNNY GUITAR
Play the guitar, play it again, my Johnny
Maybe you’re cold but you’re so warm inside
It was always a fool for my Johnny
For the one they call Johnny Guitar
Play it again, Johnny Guitar.

What if you go, what if you stay, I love you
But if you’re cruel, you can be kind, I know.

There was never a man like my Johnny
Like the one they call Johnny Guitar.

There was never a man like my Johnny
Like the one they call Johnny Guitar
Play it again, Johnny Guitar.

 

Đàn trong đêm vắng (Johnny Guitar) -
Victor Young, lời Việt Văn Phụng - tiếng hát
Sĩ Phú
Prev Next>>

Chú thích:

2 Victor Young (sinh 08.8.1900 tại Chicago - mất 10.11.1956 tại Palm Springs, California) là nhà soạn nhạc, hòa âm, nhạc trưởng và violinist người Mỹ.

3 Phim Johnny Guitar (1954): Đạo diễn: Nicolas Ray. Diễn viên: Joan Crawford, Sterling Hayden, Scott Brady, Merdedes MacCambridge, Ward Bond, Ben Cooper, Ernest Borgnine. Lấy bối cảnh là quán rượu miền viễn Tây của Vienna (Joan Crawford). Johnny Guitar (Sterling Hayden) sau năm năm luân lạc giang hồ, anh đã quay lại đây tìm gặp lại người tình cũ Vienna. Từ đó bao ghen tuông, hận thù và đổ vỡ nảy sinh....

 

 


 

 
Xóm đêm (Phạm Đình Chương - tiếng hát Lệ Thu)

 
 
Sau khi thưởng thức các media trên, hẳn các bạn sẽ thấy ba bản nhạc có nhiều nét giống nhau.

Với Đàn trong đêm vắng, một số Website âm nhạc ghi là sáng tác của Văn Phụng, số khác cho là Phạm Duy. Trong khi đó, phần lớn Website, đều ghi là nhạc ngoại quốc lời Việt của Văn Phụng. Hiện thời chưa thể kiểm chứng được. Vậy theo số đông, sẽ xem bản nhạc Đàn trong đêm vắng (hay Johnny Guitar), lời Việt là của nhạc sĩ Văn Phụng.

Hai bản nhạc Xóm đêm (nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết năm 1955) và Johnny Guitar nghe thoáng qua, có nhiều nét giống.

Điểm giống nhau thứ nhất là hai bản này đều viết theo điệu Bolero. Điểm giống nhau thứ hai là có nhạc đề (motif) 4 âm tiết (syllable) giống nhau: "Đường_về_canh_thâu" và "Play_the_gui_tar". Trong hầu hết ca khúc, câu nhạc, đoạn nhạc được phát triển lên từ nhạc đề, nên hệ quả là hai bản nhạc sẽ tiệm cận nhau về giai điệu.
Điệu nhạcNhạc đề là hai yếu tố căn bản làm cho Xóm đêmJohnny Guitar có cùng âm hưởng.
Ngẫu nhiên mà hai nhạc sĩ ở xa nhau lại có nét nhạc khá gần nhau.

Trong mỗi bước lãng du, tình cờ bạn có thể nhận ra ở đâu đó một bản nhạc có giai điệu ít nhiều giống với bản nhạc bạn đã từng nghe. Điều này có thể giải thích được. Người nhạc sĩ khi xê dịch đây đó, nghiệp dĩ làm họ phải day dứt, ám ảnh bởi thanh âm và nhạc điệu. Nên họ sẽ mô phỏng hay biến tấu một ý nhạc đã vô tình ăn sâu vào tâm thức.

Đặc biệt, trong nhạc cổ điển phương Tây, hiện tượng này khá phổ biến; thường thấy một nhạc sĩ chịu ảnh hưởng từ dân ca hay giai điệu của những nhạc sĩ đi trước. Dưới đây là một bản nhạc cổ điển quen thuộc.

2. Ave Maria

Trước năm 1975, qua tập nhạc Mười bảy tình ca bất tử (Nhà XB Thương Yêu - Saigon, 1971), nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời Việt và giới thiệu, chúng ta biết tới bản Ave Maria nổi tiếng của Gounod.

Trong khi đó, các tài liệu âm nhạc xuất bản ở nước ngoài đều ghi tác giả bản Ave Maria ở trên là hai người C.Gounod (1818-1893) và J.S.Bach (1685-1750). Hai đồng tác giả sống cách nhau hơn một thế kỷ (?). Quả kì lạ. Dưới đây là giải thích cho điều có vẻ khó hiểu này.

Thật ra, phần hòa thanh tuyệt đẹp ở bản Prélude số 1 (BWV846) cung Đô trưởng4 (trong tuyển tập Das Wohltemperierte Klavier / The Well-Tempered Clavier - Các bản PreludeFugue viết cho đàn phím) của Bach đã là nguồn cảm hứng cho Gounod. Nên năm 1859, Gounod đặt lên nó một giai điệu và ca từ (tiếng Latin) phụng tự đầy suy tưởng. Đó là ca khúc Ave Maria bất tử.


Prélude số 1 (BWV846) C Major của J.S.Bach 
Kenneth Gilbert biểu diễn trên đàn Harpsichord


Ave Maria qua giọng hát của danh ca Mỹ Kathleen Battle (sinh 1948) tại giải Grammy 1987
(Giai điệu & lời của Gounod, phần chạy âm giai là Prelude số 1 của Bach với ngón đàn của danh cầm Guitar Christopher Parkening)
 
 

Chú thích:
4 Sau này các bạn cũng đã từng nghe thấy ở đâu đó một số bản nhạc sử dụng một đoạn bản Prelude này làm intro hoặc làm nền hòa âm cho giai điệu chính.


 
 

Ave Maria qua giọng hát của danh ca Hy Lạp Nana Mouskouri (sinh 1934)
 
Và dưới đây là một câu chuyện cũ khác giờ vẫn còn đọng lại tâm trí tôi. Xin kể lại các bạn:

3. For EliseRạp hát Tân Châu xưa (giờ là Rạp 31 tháng 3)

Quy Nhơn, vào những năm 1960-1962. Mỗi khi được ba tôi dẫn đi xem xi-nê ở rạp hát Tân Châu (đường Phan Bội Châu, nay là Rạp 31 tháng 3), hai cha con tôi thường hay ngồi ở chiếc băng đá trước rạp, chờ xuất chiếu tới. Từ trên cao, cái haut-parleur của rạp xi-nê vọng ra tiếng hát của một cô ca sĩ Tây5, cứ lập đi lập lại câu: "Tout l'amour que j'ai pour toi… Tout l'amour que j'ai pour toi". Sau này tôi mới biết đó là bài hát Tout L'amour (sáng tác năm khoảng 1957 của một nhóm tác giả Pháp).

Rồi chừng mươi năm sau, tôi thấy một số nhà sách ở Quy nhơn có bán mấy tờ nhạc in ronéo bản Für Elise (For Elise) của L.v.Beethoven, được soạn cho guitar. Mới vỡ lẽ mấy “ông” Tout L'amour đã  “cầm nhầm” phần đầu bản Für Elise viết cho piano (~1810) của ông Beethoven, rồi thêm lời hát và thay đổi tiết tấu cho sôi động lên. (Thực tế, giờ đây người ta thường biểu diễn Für Elise với nhiều phong cách và biến tấu khác nhau hơn là Tout L'amour).


Ca sĩ Dalida với bài Tout L'amour (Album Ciao Ciao Bambina - Piove,
đĩa polyvinil 33 vòng - 1959)

Như vậy, chúng ta đã có hai bản Für Elise (For Elise) và Tout L'amour rất giống nhau, nhưng trước sau 150 năm.

Có người sẽ không ủng hộ sự cố ý “cầm nhầm” ở trên. Tôi thì thấy chẳng sao, miễn đừng vướng vào chuyện tác quyền là được. Theo tôi đó là cách khác để phổ cập, quảng bá cần thiết cho âm nhạc cổ điển cũng như các trào lưu âm nhạc khác, một khi nó còn mới mẻ với đại chúng.


Für Elise với Piano solo


Für Elise với 2 Guitar điện của Jack Kim

Chú thích:
5 Về ca sĩ Dalida. Xin click chuột tại đây



Nếu ở trên là các tác phẩm âm nhạc có tác giả và thời gian sáng tác cụ thể thì trường hợp sau đây lại khác. Nó đã được định hình nhưng tác giả thì vẫn còn là nghi vấn. Đó là bài Romance d’Amour, thường vắn tắt là Romance.

4. Romance


Romance Anónimo + thêm một intro...

Ai từng tập chơi guitar cổ điển mà không biết bài Romance này ? Nét nhạc giản dị, thuần khiết. Hình như Romance là giai điệu của thiên sứ ban tặng cho trần thế hay sao ấy. Ai nghe cũng miên man xao động con tim. Romance lại dễ đàn, nên người mới tập đàn cũng không phải dị vì tiếng đàn vụng về của mình. Không riêng gì giới chơi nhạc tài tử, hầu như mỗi danh cầm guitar đều đã từng biểu diễn Romance. Bởi vậy tai người nghe đã "no nê" từng câu nhạc của nó, nên đàn Romance cho tới, cho mê mãi lòng người thì chẳng mấy ai.


Một Romance Anónimo với lối chơi đầy kỹ thuật của danh cầm Štěpán Rak
(biễu diễn ngày 13.9.2005, tại Trung tâm Âm nhạc Kuopio-Tiệp Khắc)

Thế ai đã dệt nên khúc nhạc diệu kỳ ấy. Không dễ có câu trả lời.

Vào những năm 1980, ở Việt Nam, từng lúc khác nhau tôi thấy bản Romance có ba tác giả.

Một: Không rõ tác giả là ai, trên bản nhạc ghi là Anon hay Anonymous (khuyết danh),

Hai là Narciso Jepes, có ghi chú thêm: trong phim Les Jeux Interdits (Trò chơi cấm),

Ba là V.Gomez, từ các bản in có nguồn gốc từ các nước Đông Âu và Liên bang Nga (trước đây).


Romance
trong phim Les Jeux Interdits (1952)

với tiếng đàn guitar của danh cầm Narciso Yepes

Vậy ai thật sự là tác giả bản Romance? Từ lâu các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc trên thế giới đã từng bận tâm tìm câu trả lời.

Khẳng định trước tiên, đây là bản nhạc (không lời) viết cho guitar, xuất phát từ Tây Ban Nha có cấu trúc A - A - B - B. A là cung thứ, B là cung trưởng. Thuộc loại nhạc thính phòng phổ biến trong giới quý tộc Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19.

Cho tới bây giờ, Romance vẫn có nhiều tên gọi khác nhau như: Estudio en Mi de Rubira (Bản Étude cung Mi của Rubira), Spanish Romance, Romance de España, Romance of the Guitar, RomanzaRomance d'Amour.

Về tác giả thì có khi từng nơi, từng lúc được xem là của Antonio Rubira (?-?), David del Castillo (?-1937), Francisco Tárrega (1852-1909), Fernando Sor (1778-1939), Daniel Fortea (1878–1953), Miguel Llobet (1878-1938), Vicente Gómez (1911-2001) và Narciso Yepes (1927-1997). Đây hầu hết là những nhà soạn nhạc và biểu diễn guitar nổi tiếng của Tây Ban Nha.
Vì có quá nhiều tác giả gán cho nó, nên nhiều năm qua từ Anónimo (khuyết danh) thường đặt kề bên để trở thành bản Anónimo Romance (Anonymous Romance) - Bản Tình ca không tác giả.

Tuy nhiên có mấy dấu hiệu sau đây liên quan tới các danh cầm: Narciso Yepes, Vicente Gomez, Antonio Rubira, Ferdina Sor và xứ sở Ukraina.

Năm 1952, đạo diễn Pháp René Clément, cho ra mắt cuốn phim trắng đen tựa là Jeux Interdits 6 (Trò chơi cấm). Ngay phần giới thiệu âm nhạc cho phim, có ghi tên Narciso Yepes, với ngụ ý rằng Yepes là tác giả bản Romance.

Bộ phim Jeux Interdits đã “chở” Romance đi khắp nơi, vô tình gieo vào suy nghĩ của khán giả trên khắp năm châu, Yepes là tác giả bản Romance.

Ngày 19 tháng 6 năm 1982, trên kênh radio "Nuestra Programa", Đài Phát thanh Quốc gia Tây Ban Nha, có cuộc phỏng vấn giữa các phóng viên Fernando Argenta & Araceli Gonzaslez Campa và Narciso Yepes.7

Nhạc sĩ Narciso Yepes đã khó khăn khi biện minh để tái xác nhận Romance do ông sáng tác vào sinh nhật 7 tuổi của mình (1934), như một món quà tặng mẹ. Và vì không thể chứng minh được mình là tác giả nên khi phải giải thích nguồn gốc bản nhạc trước đại chúng, có khi ông phải gọi nó là bản Anónimo Romance. Thế nhưng ngày nay ở Tây Ban Nha, Yepes đã có được xác nhận tác quyền.

Chú thích:

6 Bìa DVD phim Jeux Interdits

7 Video clip ghi âm tiếng Tây Ban Nha và phụ đề tiếng Anh cuộc phỏng vấn:

 

Dưới đây là một bằng chứng khác.

Năm 1941, đạo diễn Mỹ Rouben Mamoulian cho ra đời bộ phim Blood and Sand, ở đây nhạc sĩ Vicente Gomez đã đảm trách phần dàn dựng cảnh chiếu một ban nhạc đàn & hát bản Romance. Từ đó, V.Gomez cũng được xem là tác giả bản Romance.

Như vậy công chúng đã biết V.Gomez & Romance trước khi biết đên Narciso Yepes & Romance 16 năm.


Đây là một video clip rất thú vị. Người làm video này đã mời gọi cộng đồng mạng truy tìm tác giả bản Romance.
Có một đoạn trích từ phim Blood and Sand (1941) với bản Romance do V.Gomez tham gia dàn dựng


Romance (lời Việt: Khúc hát đêm mưa của Đinh Nguyên)
với tiếng đàn guitar của Hoàng Minh hòa quyện với tiếng hát ướt mi của Quỳnh Lan

Hiện nay nhà xuất bản âm nhạc Ricordi (Argentina) cũng cho tác giả bản nhạc là Antonio Rubira với tên gọi: Estudio en Mi de Rubira (khoảng cuối thế kỷ 19). Như là một bài tập luyện guitar cho học sinh. Bản ký âm bài hát hiện còn được lưu giữ.

Người ta cũng tìm thấy một bản ký âm khác, không ký tên, tựa là Melodia de Sor (Giai điệu của Sor) được cho là của Fernando Sor, nhưng lại có phong cách hoàn toàn khác với các sáng tác của Sor. Dùng kỹ thuật đồng vị phóng xạ và giám định chữ viết để kiểm tra hai bản chép tay này, người ta thấy thời gian không phù hợp.

Bản Romance chép tay được cho là của F.Sor
(nguồn Wikimapia)

 

 

 

 

Bản Romance chép tay được cho là của Antonio Rubira
(nguồn Wikimapia)


Cuối cùng có một bản dân ca Ukraina tên là Нiч яка мiсячна (Ánh trăng tuyệt đẹp) cũng được các nhà nghiên cứu âm nhạc xem là tiền thân của bản Romance.
 
Bản dân ca Ukraina Nich Yaka Misyachna qua tiếng hát của Vasily Gerello

Vậy theo bạn liệu rằng có thể tìm ra tác giả của Romance. Tôi nghĩ là  không, với mấy lý do sau:
- có thế Romance phát triển trên giai điệu của một bản dân ca;
- có thể Romance biến tấu từ một tác phẩm của ai đó;
- và có thể Romance được viết ra bởi một nhạc sĩ lãng tử, không quan tâm tới quyền sáng tác.

Để rồi vì nó quá hay nên được nhiều người cải biên và phổ biến rộng khắp cả về không gian lẫn thời gian. Và ai đã làm nên nó cũng không đủ bằng chứng thuyết phục để nhận lại nó là “con” của mình. Nên thôi không giữ được thì trao nó cho đất trời vậy.

Cuối cùng, vì sao có sự hao hao giữa Romance Нiч яка мiсячна.

Âm nhạc là một sản phẩm văn hóa đặc biệt của con người, nó nảy sinh từ những mối đồng cảm khi con người tương tác với nhau, tương tác với thiên nhiên, vạn vật. Sự đồng điệu ngẫu nhiên này ít xảy ra những vẫn thường gặp, ngay cả khi điều kiện giao lưu của các cộng đồng xưa kia nhiều cách trở bởi núi non, biển cả.
Âm nhạc lại gắn bó mật thiết với con người, nên khi con người dịch chuyển, cũng "mang" âm nhạc đi theo và chắc rằng hương đồng gió nội (sẽ) bay đi ít nhiều, để làm cho "cái âm nhạc" cụ thể nào đó có nhiều dị bản, phiên bản khác nhau.

Trên là hai lý do để giải thích sự na ná nhau của nhiều bản nhạc.

Suy rộng ra thì không chỉ riêng âm nhạc, giao thoa văn hóa giữa các miền vùng khác nhau là tất nhiên trong mọi cộng đồng xã hội loài người. Đặc biệt từ khi có mạng toàn cầu, và viết trại câu chữ của Bill Gates, World at on your finger8 (Thế giới trên đầu ngón tay bạn) thì biên giới văn hóa vùng giờ đây ngày càng trở nên mờ nhạt, mong manh hơn bao giờ hết ! Cái bản sắc văn hóa của mỗi vùng sẽ bị tiêu hủy hay bị đánh cắp nếu nó không đủ sức quảng bá hay chuyển hóa kịp bởi hệ quả của toàn cầu hóa hiện nay.

(Xin xem tiếp phần 2, click chuột tại đây và bài bình luận của thầy Vương Quốc Tấn tại đây)

K.Xuân Hiền
Quy Nhơn, tháng 9 & 11.2009

 

Chú thích:
8 Information at on your finger (Thông tin trên đầu ngón tay bạn). Đó là tiêu đề (một cách diễn đạt bóng bẩy, hàm súc) bài nói chuyện của Bill Gates trong buổi khai mạc hội chợ máy tính COMDEX tại Las Vegas, USA vào ngày 14/11/1994.
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất