Báo Đất Việt
13.9.2013

"Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để "hạ bệ" dòng nhạc trữ tình là không nên", danh ca chia sẻ.



Nhạc sĩ Quốc Trung gọi nhạc trữ tình lãng mạn là nhạc sến. Là một ca sĩ lâu năm trong nghề chị nghĩ gì về nhận xét trên?

Bảo Yến: "Nhạc sến là gì Quốc Trung có hiểu không?" 1

Mọi người cũng từng biết những bản tình ca nổi tiếng với phần lớn là tiết điệu bolero của các nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Anh Bằng... đã chinh phục nhiều thế hệ người nghe.

Thực chất, những người nghe nhạc rất tinh tế và công bằng, không nể nang bất kỳ ai. Vì vậy, để chinh phục và bắt họ ngồi bật dậy ra khỏi nhà giữa trời mưa lạnh đến nhà hát, bỏ tiền triệu ra mua vài tấm vé, thưởng thức những bản nhạc trữ tình đó phải là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Bên cạnh đó, những giai điệu chân tình mộc mạc với những ca từ thổn thức, đậm chất văn chương, tình đời, tình người vốn đã đi sâu vào lòng những người yêu nhạc.

Tuy nhiên nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: "Thanh niên mà đắm đuối với nhạc sến là điều bất thường"?

Trong từ điển âm nhạc Việt Nam không có từ nhạc sến, chỉ có dòng nhạc thính phòng, nhạc trữ tình, nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca 3 miền. Nhạc sến là dùng để ngồi nói chuyện với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Người ngoài không phải là ca sĩ, nhạc sĩ có thể dùng từ đó nhưng Quốc Trung là một nhạc sĩ mà dùng từ này để "hạ bệ" dòng nhạc trữ tình là không nên. Nhạc sến là gì? Vì sao có từ "sến" Quốc Trung có hiểu không? Nó bắt nguồn từ thời Pháp thuộc để chỉ những người phụ nữ không có học hành mà ăn diện lòe loẹt, đỏm dáng nhưng ưa nói chữ nghĩa để ra vẻ ta đây là dân sành điệu. Vì vậy, mọi người mới dùng từ "sến" cũng đồng nghĩa với từ "con sen" (người giúp việc) để ghép với cái tên Mary thành "Mary sến". Từ đó, từ "sến" ra đời và người ta chỉ dùng từ này để nhận xét về thẩm mỹ của một ai đó chứ không phải để nói đến âm nhạc.

Vậy theo chị, dòng nhạc Quốc Trung gọi là sến phải gọi như thế nào mới đúng?

Chính là nhạc trữ tình nhưng nó được phân ra nhiều dòng, ví dụ như nhạc tình được gọi là sang trọng phải kể đến Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... Còn nhạc tình gần gũi với đời sống quảng đại quần chúng có Lam Phương, Trúc Phương, Minh Kỳ, Anh Bằng... Người thích loại này, người thích kiểu kia.

Tôi là người đã mấy mươi năm trình diễn cả hai dòng nhạc này nên tôi biết rất rõ. Khán giả không phải nghe dòng nhạc sang trọng là có trình độ học vấn cao, hay nghe những ca khúc gần gũi mộc mạc là trình độ văn hóa thấp. Có rất nhiều khán giả là bác sĩ, giáo sư, nhà giáo say mê Bảo Yến với những giai điệu cùng những ca từ mộc mạc và dung dị. Tùy vào tính cách và hoàn cảnh, mỗi người sẽ chọn cho mình một dòng nhạc ưa thích.

Còn chuyện ca sĩ trẻ chuyển qua hát nhạc sến như một trào lưu, chị nghĩ sao?

Thực ra, các ca sĩ chuyển qua hát nhạc sến hay còn gọi là nhạc trữ tình vì thể loại này kiếm tiền nhiều và nhanh hơn nhạc sang. Đa số quần chúng thích nghe những giai điệu nhẹ nhàng gần gũi với gia đình và cuộc sống của họ. Vì vậy, để có thu nhập cao, nhiều ca sĩ sẽ chuyển qua hát nhạc trữ tình. Khi đã dư giả, họ quay lại hát nhạc sang.

Tuy nhiên không ít người cho rằng, hát nhạc sến là để chứng minh đẳng cấp?

Những ca sĩ cho rằng hát nhạc sến để chứng minh đẳng cấp là sai và ảo tưởng. Người ca sĩ chỉ cần hát hay, truyền cảm và có nội lực để dẫn dắt người nghe vào những giai điệu là thành công, dù chỉ hát được một dòng nhạc. Không phải hát nhạc sến là thể hiện đẳng cấp đâu. Theo tôi, hát được nhiều thể loại mà không ra gì, ca sĩ đó chỉ đáng hạng C, hạng D. Vì thế, những người ấy nên chuyển sang nghề khác còn hơn.

Thêm vào đó, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, ca sĩ đua nhau hát nhạc sến là a dua thiếu nhận thức, chị nghĩ sao?

Người ta có quyền thích nhạc sang lẫn nhạc trữ tình và tôi là một điển hình. Còn Huy Tuấn có lẽ chỉ thích một phía và đó là phần khiếm khuyết của anh ấy. Làm sao có thể không mê dòng nhạc nổi tiếng từ bấy lâu nay của Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương... vốn là những tay "phù thủy" của ngôn từ và giai điệu?

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã phát biểu trên truyền hình: "Ca sĩ không đi học thanh nhạc qua trường lớp sẽ kéo theo một lớp khán giả vô học - ngưu tầm ngưu mã tầm mã". Ý kiến của chị thế nào?

Đó là ý kiến quá sức chủ quan. Nhạc sĩ hay ca sĩ cũng vậy, học hành là rất tốt. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, chưa phải là tất cả.

Một nhạc sĩ tốt nghiệp trường âm nhạc quốc gia chỉ tương đương với người học kẻ nhạc trình bày nốt nhạc và để accord cho một bài nhạc trên nền tảng cơ bản, nhưng điều cơ bản chưa hẳn là một nhạc sĩ tài hoa thật sự. Người viết nhạc tốt, ngoài khả năng trời phú về tư duy, ý tưởng tác phẩm, viết những giai điệu tuyệt vời phải có thêm khả năng văn chương giỏi (ngoài kiến thức được học ở trường), ý nghĩa thâm thúy, melody (giai điệu) độc đáo, sự dàn trải khúc thức bài hát thật cân xứng, khi nó vang lên ngoài những khán giả mộ điệu thì những nhạc sĩ khác cũng phải thán phục.

Nói tóm lại ca sĩ học về lý thuyết và kỹ thuật thanh nhạc cũng như nhạc sĩ học về giáo trình Lý - Sáng - Chỉ (Lý luận, phê bình - Sáng tác - Chỉ huy) là để nắm những điều cơ bản. Ví dụ ca sĩ phải biết mình hát tone gì, quãng giọng của mình cao thấp, phải biết phân biệt giọng nào là alto, tenor, soprano... để biết đâu là nhịp 2/4, 3/4, 4/4, 6/8. Còn để hát được nhạc trữ tình, còn phải tùy vào cái duyên chứ kiến thức trường lớp không quyết định đến sự thành công trên con đường âm nhạc.

Nghĩa là nhiều người cần có bằng cấp để thể hiện đẳng cấp?

Cả ba chị em tôi Bảo Yến, Nhã Phương và em út là nhạc sĩ Kim Tuấn được ba tôi (nhạc sĩ Thủy Triều) dạy nhạc từ nhỏ. Năm 22 tuổi, tôi đã đi tìm một giáo viên thanh nhạc rất nổi tiếng để học thêm chương trình nâng cao kỹ thuật, học được một tuần thì anh Quốc Dũng biết được nói với tôi: "Em dẹp ngay cho anh, đừng học nữa. Vì học kiểu đó nó sẽ bóp chết giọng tự nhiên của em, lúc đó em hát chỉ nghe toàn giọng mái, giọng óc mà chất giọng đó không hấp dẫn người nghe". Tôi tự nghĩ thấy đúng nên nghe theo. Bên cạnh đó, với sự say mê, học hỏi miệt mài, tôi đã chinh phục tất cả thể loại nhạc quốc tế.

Tôi biết có những ca sĩ được đào tạo trường lớp nhưng luôn hát chênh, phô và trật nhịp. Vì vậy, khi tập bài hoặc làm quen với những tác phẩm âm nhạc mới rất chậm. Nhạc lý chỉ có vậy mà đem ra lòe với thiên hạ, người ngoài giới họ dễ bị lầm tưởng là giáo trình dạy và học nhạc khó khăn lắm nhưng đối với người trong nghề mà đem chuyện học hành ra để tự trấn an đó là vũ khí của những người nương tựa nghệ sĩ không bản lĩnh, không tự tin thì chỉ xứng làm trò cười, trò trẻ con.


Nguồn: Đất Việt